Cán bộ trưởng thành hơn từ cơ sở
Từ sự giới thiệu của Ban Tổ chức Huyện ủy, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với đồng chí Tạ Ngọc Huế, nguyên Phó Chánh văn phòng Huyện ủy được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Mạc. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng từ cấp ủy và bản thân xác định rõ: "Về cơ sở vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để bản thân tích lũy kinh nghiệm thực tế…", nên chỉ sau một thời gian ngắn trên cương vị mới, người bí thư trẻ đầy tâm huyết và năng động này đã tiếp cận nhanh với công việc, nắm bắt tình hình cụ thể địa bàn, cùng với cấp ủy, chính quyền đưa Yên Mạc vượt qua khó khăn, có sự vươn lên mạnh mẽ, được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình, ghi nhận.
Đã hơn 1 năm làm Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Huế được đánh giá là luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gương mẫu đi đầu trong các việc mới, việc khó, làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Trải lòng trong những ngày cuối năm bận rộn với công việc nối tiếp công việc, đồng chí Tạ Ngọc Huế tâm sự: Lúc đầu khi mới nhận nhiệm vụ, bản thân còn nhiều bỡ ngỡ nhưng với tinh thần cầu thị, học hỏi, đồng thời không ngừng đổi mới phong cách làm việc, đi sâu, đi sát cơ sở nên tôi đã "bắt nhịp" được với công việc, quyết đoán, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành…
Còn với đồng chí Đoàn Thị Chiến, nguyên Ủy viên thường trực HĐND huyện được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa, bây giờ giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy thì những năm tháng đi cơ sở, về làm lãnh đạo chủ chốt cấp xã đã giúp chị trưởng thành về mọi mặt. Chúng tôi thấy ở chị thời điểm này là một nữ cán bộ trẻ ở độ "chín muồi" với phong cách chững chạc, đầy tự tin của một người đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Chị Đoàn Thị Chiến cho biết: 3 năm được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã đã giúp tôi có cơ hội được cọ sát với thực tế nhiều hơn, sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân để có những chỉ đạo kịp thời, đồng thời có những tham mưu đúng và trúng với cấp ủy cấp trên. Nếu như trước khi luân chuyển, công việc của tôi gói gọn trên một lĩnh vực thì khi về làm Bí thư xã, tôi có điều kiện "mở mang" thêm nhiều lĩnh vực, hoàn thiện bản thân về mọi mặt. Đây là môi trường vừa rèn luyện, vừa thử thách để tôi tự tin hơn khi nhận nhiệm vụ mới được phân công. Tôi đã chủ động, tích cực, vừa học hỏi, vừa tìm tòi; đồng thời cùng tập thể cấp ủy tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên
Đó là phương châm chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Mô trong quá trình triển khai thực hiện công tác luân chuyển cán bộ. Đồng chí Phạm Quốc Đạt, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Mô cho biết: Công tác luân chuyển cán bộ ở Yên Mô được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng mục đích, yêu cầu, tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy trên địa bàn huyện đã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.
Thời gian qua, Yên Mô đã luân chuyển 35 cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó luân chuyển từ huyện về xã là 6 đồng chí, luân chuyển từ xã lên huyện 3 đồng chí, còn lại là luân chuyển giữa các khối, ngành và các đơn vị trong ngành. Huyện cũng đã tiếp nhận luân chuyển từ tỉnh về huyện 3 đồng chí. Chỉ tính riêng trong năm 2014, Ban Tổ chức Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện luân chuyển 4 cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó: Luân chuyển từ xã về huyện 2 đồng chí, luân chuyển ngang từ khối Nhà nước sang khối Đảng, đoàn thể 1 đồng chí, luân chuyển từ xã này sang xã khác 1 đồng chí.
Cán bộ được luân chuyển từ huyện về xã, thị trấn hầu hết đang công tác ở một lĩnh vực có tính chuyên môn, chuyên ngành, khi luân chuyển đến cơ sở được phân công bố trí là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Do vậy, cán bộ luân chuyển có điều kiện học tập, rèn luyện trong môi trường thực tiễn với nhiều lĩnh vực công tác. Hầu hết các xã, thị trấn có cán bộ huyện luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy đều có chuyển biến tích cực, nề nếp, kỷ cương được duy trì; hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành được thể hiện trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Thông qua vai trò của cán bộ luân chuyển và hiệu quả thực tế ở địa phương đã khắc phục tư tưởng khép kín trong công tác cán bộ. Cán bộ luân chuyển của huyện về xã là những đồng chí có trình độ chuyên môn đại học, trình độ lý luận chính trị cao cấp trở lên, đều là nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo của huyện; luân chuyển cán bộ của huyện nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức thực tế. Cán bộ luân chuyển giữa các cơ quan Huyện ủy, UBND huyện, các đoàn thể đã tạo điều kiện để cán bộ được rèn luyện thử thách qua nhiều lĩnh vực công tác khác nhau giúp cho cán bộ luân chuyển trưởng thành nhanh hơn.
Đa số cán bộ được luân chuyển về cơ sở công tác ban đầu đều lo lắng, băn khoăn nhưng sau khi được lãnh đạo Huyện ủy quan tâm động viên và định hướng bước đi, cách làm và nhận được sự ủng hộ tạo điều kiện phối hợp của Đảng ủy, UBND xã, thị trấn nơi cán bộ luân chuyển đến nên các đồng chí đã tự tin nhận nhiệm vụ và nhanh chóng tiếp cận công tác mới với tinh thần trách nhiệm cao.
Trong điều kiện có nhiều khó khăn ban đầu nhưng các đồng chí cán bộ luân chuyển về xã, thị trấn đã chủ động tích cực, vừa học, vừa làm, gắn bó với quần chúng nhân dân. Sau một thời gian, các đồng chí đã xác định được những việc cần tập trung, những vấn đề trọng yếu trước mắt, đồng thời cùng cấp ủy cơ sở tháo gỡ khó khăn, đi sâu vào những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Một số lĩnh vực chuyển biến rõ nét như: đổi mới phong cách lãnh đạo, củng cố đội ngũ cán bộ, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; duy trì kỷ cương nền nếp công tác, đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các nhiệm vụ của địa phương.
Cán bộ được luân chuyển giữa các cơ quan Huyện ủy, UBND huyện, các đoàn thể có nhiều thuận lợi hơn cán bộ được luân chuyển về xã nên đại đa số các đồng chí được luân chuyển đều phấn khởi, tiếp cận công việc nhanh, hoàn thành nhiệm vụ được giao và có chiều hướng phát triển tốt. Nhìn chung, các đồng chí cán bộ luân chuyển đã có bước trưởng thành, phát huy tốt chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác; có quan điểm, cách nhìn và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn; có ý thức rèn luyện, giữ gìn đạo đức lối sống, đoàn kết cùng tập thể lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Theo nhận định của Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Mô: Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý thời gian qua đã góp phần thúc đẩy công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sử dụng cán bộ, tạo ra chuyển động mới và cách làm mới trong công tác cán bộ. Qua đó làm cho việc luân chuyển cán bộ dần trở thành việc làm bình thường, phá bỏ được quan điểm và thói quen lạc hậu trong công tác cán bộ như: khuynh hướng cục bộ, khép kín trong từng địa phương, đơn vị, tâm lý thỏa mãn, trì trệ của cán bộ.
Quá trình luân chuyển cán bộ đã được thực hiện với phương châm thận trọng, lựa chọn được những cán bộ có trình độ, năng lực, trong quy hoạch, cần đào tạo, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế để đưa về những địa phương trọng yếu, cần phải tăng cường cán bộ hoặc những nơi công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở còn gặp khó khăn. Chuẩn bị tốt cả nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến, không làm ồ ạt, tràn lan, chạy theo số lượng.
Đối với địa phương, đơn vị nơi có cán bộ luân chuyển đến đã có nhận thức đúng, đầy đủ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ; quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ được luân chuyển; thực hiện tốt việc đấu tranh tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết nội bộ, dần dần xóa bỏ tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Quỳnh Thu