Là xã đồng chiêm trũng của huyện Yên Mô, những năm qua sản xuất nông nghiệp của Yên Đồng còn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến canh tác không hiệu quả, nhiều hộ dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Khắc phục tình trạng này, cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây đã tạo điều kiện cho các hộ có điều kiện về vốn, tư liệu sản xuất tự gom đất, thuê đất để chuyển đổi thành các mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa. Điển hình là mô hình thuê đất trồng lúa chuyển đổi sang trồng chuối của hộ ông Trần Trung Tín, thôn Dải Cờ.
Gia đình ông Tín đã mạnh dạn thuê dài hạn 1,6ha đất của những hộ dân không có nhu cầu gieo cấy lúa để xây dựng mô hình trồng chuối Tây Thái Lan kết hợp nuôi cá thương phẩm. Trên diện tích đất thuê, ông tiến hành cải tạo, thuê máy về tạo luống, giữa 2 luống trồng chuối là một rãnh mương để nuôi cá.
Như vậy, ông có 1ha đất trồng chuối, còn lại là diện tích nuôi cá thương phẩm. Nhẩm tính chi phí đầu tư xây dựng mô hình, ông Tín cho biết: "Giá mỗi cây chuối giống 30 nghìn đồng, như vậy với 2.500 cây chuối, gia đình tôi đã đầu tư 75 triệu đồng. Kể cả giống cá, các chi phí khác, gia đình đã đầu tư trên150 triệu đồng cho mô hình phát triển kinh tế này.
Chi phí tương đối lớn nhưng mô hình cho hiệu quả cao, chuối trồng 1 lần cho thu hoạch liên tục trong 5 năm, các năm sau chỉ cần đánh tỉa đảm bảo mật độ và bón thêm phân để chuối sinh trưởng và phát triển. Sau 1 năm thực hiện mô hình, đến nay chuối Tây Thái Lan đang sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi năm cho thu hoạch trên 1.400 buồng chuối và 3 tấn cá.
Trừ chi phí, thu nhập từ mô hình "trên chuối, dưới cá" ước đạt 200 triệu đồng/ha/năm. So với trồng lúa thì trồng chuối cho hiệu quả cao gấp rất nhiều lần và đây đang là mô hình được nhiều nông dân ở Yên Đồng đến tham quan, học hỏi và nhân rộng".
Tại xã Mai Sơn, mô hình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành Tổ hợp tác sản xuất nông sản trên diện tích 11ha với 11 thành viên tham gia đang phát huy hiệu quả tốt. Hộ ông Tống Văn Sơn, thành viên Tổ hợp tác thuê hơn 1ha đất của các hộ nông dân để phát triển mô hình trồng các loại rau, củ an toàn như: cà chua, bí xanh, bí đỏ, ớt, bắp cải...
Ông Sơn cho biết: Trước đây không có đất canh tác nên gia đình ông chỉ làm nhỏ lẻ mấy sào ruộng được chia theo khẩu. Diện tích ít cộng với cách làm truyền thống nên hiệu quả sản xuất không cao. N
ắm bắt được chủ trương của xã về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cùng thực tế nhiều hộ nông dân không muốn gắn bó với đồng ruộng hoặc không có lao động để sản xuất nông nghiệp, ông đã thuê hơn 1 mẫu ruộng tập trung gọn vùng, thuận tiện cho sản xuất. Sau hơn 1 năm, mô hình phát huy hiệu quả tốt, sản phẩm sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó với giá cả đảm bảo. Ước tính mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
Để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, huyện Yên Mô đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, máy nông cụ… để phát triển sản xuất.
Đặc biệt năm 2016, Yên Mô đã có văn bản chỉ đạo tổ chức sản xuất, chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, trong đó khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chuyển diện tích trồng lúa, đất lúa - màu kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm (táo, chuối, bí xanh, dưa các loại, cây dược liệu…); vận động nhân dân dồn đổi ruộng đất về vùng quy hoạch để sản xuất hàng hóa, tích tụ ruộng đất, tiến tới sản xuất lớn.
Nhờ đó, trên địa bàn huyện Yên Mô đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại, mô hình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả. Trong đó có 4 mô hình tích tụ ruộng đất với quy mô 20ha và hàng trăm mô hình ở vùng lúa-cá với quy mô từ 1đến 2 mẫu, có giá trị kinh tế đạt từ 100 đến 300 triệu đồng/ha/năm.
Quá trình tích tụ ruộng đất, hình thành quy mô sản xuất lớn đã có hiệu quả rõ nét, người dân thiết tha với đồng ruộng hơn, chủ động trồng, nuôi các cây, con mới có giá trị kinh tế cao và có đầu tư thâm canh.
Tích tụ ruộng đất, chuyển đổi các mô hình sản xuất đang là hướng đi mới, tạo ra lượng hàng hóa lớn, hiệu quả sản xuất cao hơn. Đặc biệt, khi tham gia tích tụ ruộng đất, người nông dân được hưởng ngày công lao động cao, quy hoạch được vùng sản xuất, họ có thể trở thành chủ trang trại và chủ một cánh đồng rộng lớn...
Ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Xác định tích tụ ruộng đất, chuyển đổi và tổ chức lại sản xuất sẽ tạo ra hàng hóa tập trung, do đó trong thời gian tới Yên Mô tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân dồn đổi ruộng đất để sản xuất quy mô lớn.
Động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, nhất là các hộ có năng lực quản lý, có vốn, kinh nghiệm sản xuất, có thị trường tiêu thụ sản phẩm được tích tụ ruộng đất, thuê đất, mượn đất để tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát những hộ bỏ hoang đất không sản xuất trong thời hạn 12 tháng liên tục, tiến hành thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai và cho các hộ khác có nhu cầu sản xuất, có vốn, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp thuê lại diện tích đất trên để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tuyệt đối không để đất bị bỏ hoang, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa tập trung phát triển.
Hồng Giang