Chúng tôi có mặt tại một cánh đồng thuộc khu 2, thị trấn Yên Thịnh, mặc dù thời tiết rét đậm, rét hại nhưng bà con nông dân ở đây vẫn ra đồng lao động sản xuất với khí thế hăng say. Chị Phạm Thị Hường đang làm đất để tiến hành gieo vãi cho chúng tôi biết: Ngay từ mùng 3 Tết, tranh thủ thời tiết nắng ấm bà con nông dân trong xã đã xuống đồng làm đất, gieo và chăm sóc mạ. Vụ xuân năm nay gia đình chị gieo cấy hơn một mẫu ruộng, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao như Bắc Thơm số 7, LT2 và nếp. Hơn một mẫu ruộng của gia đình chị đều ở khu 2 được quy hoạch sản xuất lúa đông xuân bằng phương pháp gieo vãi. Theo chị Hường, so với phương pháp cấy truyền thống thì phương pháp gieo vãi có rất nhiều ưu điểm như không phải gieo mạ, chăm sóc mạ và che phủ nilon tốn kém. Với những gia đình cấy nhiều mà ít nhân lực thì đầu vụ sẽ khó khăn trong việc thuê người cấy với công rất đắt, còn gieo vãi làm nhanh hơn, giảm được chi phí thuê nhân công. Qua mấy vụ sản xuất lúa theo phương pháp gieo vãi, chị thấy cuối vụ cho năng suất cao hơn và hiệu quả cũng tốt hơn. Tuy nhiên, khi gieo vãi lại đòi hỏi khắt khe hơn về mặt kỹ thuật như kỹ thuật làm đất, kỹ thuật chăm sóc, dặm, tỉa... Nếu thời tiết thuận lợi, cùng với công tác điều tiết nước hợp lý thì gia đình chị gieo xong toàn bộ diện tích chỉ trong 3-4 ngày.
Tại cánh đồng thuộc thôn Bình Khang (xã Khánh Thượng), không khí cũng rất khẩn trương. Do thời tiết rét, mạ còn non nên hầu như những hộ cấy lúa đều đang phải đợi thời tiết thuận lợi. ở thời điểm này, bà con xuống đồng chủ yếu để be bờ, tát nước, làm cỏ, bón phân chuồng... Chỉ có những cánh đồng thực hiện phương pháp gieo vãi mới tập trung sản xuất đông vì ngâm mạ đồng trà, gieo cũng phải đồng trà. Gia đình chị Phạm Thị Thắng gieo cấy 7 sào thì có đến 5 sào là lúa gieo vãi. Chỉ trong một buổi chiều, gia đình chị đã gieo xong 2 sào và dự kiến chị sẽ làm xong toàn bộ diện tích chỉ trong 3 ngày.
Vụ đông xuân 2012, huyện Yên Mô có kế hoạch gieo trồng gần 6.500 ha lúa, trong đó 520 ha là lúa gieo vãi. Để đạt được kết quả cao trong sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân. Về cơ cấu giống, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng đảm bảo tỷ lệ giống lúa lai thích hợp; mở rộng và thâm canh lúa cao sản, lúa chất lượng cao, tùy vào từng địa phương và vùng đất mà bố trí giống lúa cho phù hợp, đảm bảo năng suất cao và có hiệu quả. Các giống lúa chủ lực được nhân dân đưa vào gieo cấy trong vụ xuân năm nay là các giống có năng suất, khả năng kháng sâu bệnh cao, đã qua khảo nghiệm thực tế, như: Phú ưu 1, Phú ưu 978, Khang Dân, LT2, Bắc thơm số 7, QR1... Bước vào sản xuất vụ đông xuân, nông dân Yên Mô đã gặp một số bất lợi như thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của mạ. Nhưng do làm tốt công tác chăm sóc, che phủ hoàn toàn bằng nilon nên diện tích mạ vẫn được đảm bảo. Công tác lấy nước, làm đất được các đơn vị chú trọng và tích cực triển khai, công tác thủy lợi nội đồng, diệt chuột được đẩy mạnh. Tính đến ngày 11-2, toàn huyện Yên Mô đã làm đất chờ cấy được 75% diện tích; đã cấy trên 300 ha và gieo vãi được trên 50 ha; phấn đấu đến ngày 25-2 sẽ cơ bản cấy xong lúa đông xuân.
Hương Giang