Chúng tôi về xã Yên Nhân, là xã có tổng diện tích gieo cấy vụ đông xuân đạt 693,3 ha thì có tới 547,7 ha (79%) là sản xuất lúa hàng hóa (lúa chất lượng cao và lúa nếp các loại). Trên khắp các cánh đồng của xã Yên Nhân, bà con nông dân đang tập trung tỉa dặm, bón thúc, làm cỏ cho lúa. Bác Đỗ Văn Hiên ở thôn Liên Phương đang làm cỏ lúa cho biết: Năm nay gia đình tôi cấy hơn 1 mẫu ruộng, trong đó chỉ có 3 sào lúa Tạp giao để phục vụ chăn nuôi trong gia đình, còn lại là lúa nếp và lúa Thiên hương là hai loại lúa chất lượng cao và có giá trị kinh tế. Trong quá trình gieo cấy lúa đông xuân, tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi hơn, huy động tối đa nhân lực ra đồng sản xuất, chính vì vậy gia đình tôi và bà con ở đây đã hoàn thành việc gieo cấy trong khung thời vụ. Hiện nay chúng tôi tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc và theo dõi, phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô, vụ đông xuân 2012, toàn huyện đã gieo cấy được 6.554 ha lúa với 100% là trà xuân muộn. Trong cơ cấu giống lúa, các đơn vị đã tích cực chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại chiếm 45,3% diện tích, tăng 7% so với vụ đông xuân 2011, các xã có diện tích lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ trên 70% diện tích là Yên Từ, Yên Nhân, Yên Mạc. Diện tích lúa lai, lúa cao sản chiếm 48,5%, với các xã có tỷ lệ lúa lai, lúa cao sản cao trên 70% là xã Yên Đồng, Yên Hòa, Yên Thành... còn lại là các loại lúa thuần khác.
Những năm gần đây, phương thức gieo vãi lúa đã được đưa vào khảo nghiệm trên diện rộng ở nhiều địa phương trong huyện và đã thể hiện được nhiều ưu điểm như tốn ít công lao động, chi phí giảm, năng suất cao hơn... Do đó năm nay, toàn huyện có 13/18 xã, thị trấn áp dụng và mở rộng phương thức gieo vãi lúa với tổng diện tích 779,1 ha, chiếm 11,9% diện tích, tăng 5,5% so với vụ đông xuân 2011, các đơn vị có diện tích gieo vãi cao là: Xã Yên Từ (69,3%), Khánh Thượng (55,9%), trong đó HTX nông nghiệp Đông Thượng có 255ha/300ha (85%) diện tích là gieo vãi. Nhìn chung thời vụ gieo vãi gặp thời tiết thuận lợi nên nên lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Để đạt được những kết quả trên, huyện Yên Mô đã tập trung chỉ đạo các đơn vị làm tốt ngay từ khâu chuẩn bị, gieo mạ, làm đất, lấy nước, thực hiện các biện pháp thâm canh...
Sau gieo cấy, huyện Yên Mô đã chỉ đạo các đơn vị và bà con nông dân tập trung ngay vào công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Trong việc điều tiết nước tưới, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị mình chủ động điều tiết nước hợp lý theo yêu cầu sinh trưởng của cây trồng, đảm bảo mực nước trên mặt ruộng, tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung đạt số dảnh hữu hiệu cao. Tập trung bón thúc, bón cân đối, bón đủ lượng, bón đúng kỹ thuật theo quy trình hướng dẫn để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao. Thường xuyên kiểm tra diễn biến tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, dự tính dự báo đúng, xử lý kịp thời khi sâu bệnh xuất hiện đến ngưỡng gây hại. Đặc biệt với những diện tích lúa gieo vãi giai đoạn lúa được 1,5 - 2 lá, lúa xanh non thường bị bọ trĩ gây hại, cần phải tập trung theo dõi phun trừ kịp thời.
Để làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp &PTNT kết hợp Trạm BVTV tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật cơ sở; các HTX nông nghiệp tổ chức dịch vụ cung ứng thuốc BVTV đảm bảo đúng chủng loại, chất lượng tốt cho các hộ xã viên.
Đồng thời phát động nhân dân tăng cường thăm đồng, bắt ốc bươu vàng, trứng ốc bươu vàng và chỉ sử dụng thuốc diệt ốc bươu khi mật độ ốc quá cao. Phát động nhân dân diệt chuột đợt 2 sau khi cấy xong và đợt 3 khi cây lúa bắt đầu chuyển sang giai đoạn phân hóa đòng bằng biện pháp thủ công là chủ yếu. Trong đó cần áp dụng và nhân rộng mô hình diệt chuột bằng biện pháp hun khói ở HTX Nông nghiệp Vân Trà, xã Yên Thắng.
Hồng Giang