Cụ thể hóa trong từng lĩnh vực Trong kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Yên Mô đưa ra mục tiêu năm 2016 tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 2,05%; nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gắn với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để đạt được mục tiêu đó, Yên Mô đã cụ thể hóa nội dung thực hiện trong từng lĩnh vực. Với trồng trọt, trên cơ sở kết quả đã đạt được những năm qua, địa phương tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng các vùng hàng hóa tập trung, mở rộng mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa hộ nông dân với HTX nông nghiệp và các doanh nghiệp đối với các sản phẩm nông sản hàng hóa như lạc giống, đậu xanh, ngô ngọt, cà chua bi, dưa bao tử… Tập trung đưa những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, đảm bảo gieo cấy đúng thời vụ và quy trình thâm canh của từng giống.
Năm 2016 phấn đấu ổn định diện tích lúa khoảng 13 nghìn ha, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại đạt 62%. Đối với cây màu tập trung tăng diện tích trồng ngô thương phẩm, ngô ngọt xuất khẩu đạt 750 ha; ổn định diện tích trồng lạc 784 ha với hơn 40 ha được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ bao tiêu sản phẩm, đồng thời từng bước đưa các giống lạc mới L27 có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh thay thế các giống lạc cũ năng suất thấp. Tiếp tục mở rộng diện tích trồng đậu xanh có năng suất, chất lượng lên 130 ha. Mở rộng và duy trì diện tích 1.200 ha rau các loại với đa dạng các loại rau, chỉ đạo trồng rải vụ để tăng diện tích gieo trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển vùng trồng rau hàng hóa tập trung như vùng sản xuất trồng rau rút, rau cần tại HTX Nông nghiệp Liên Trì, Yên Hòa; vùng sản xuất rau vụ đông tại HTX nông nghiệp Phúc Lại, Yên Từ; vùng sản xuất rau tại HTX nông nghiệp Vân Trà, Yên Thắng, HTX nông nghiệp Mai Sơn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị thu nhập cho nhân dân. Từng bước xây dựng các mô hình trồng hoa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ mới ở thị trấn Yên Thịnh và xã Yên Thắng.
Trong chăn nuôi, Yên Mô tập trung chuyển dịch dần chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung xa khu dân cư, trong đó có 1-2 trang trại chăn nuôi có quy mô lớn (500 con lợn thịt trở lên). Đẩy mạnh phát triển các con nuôi chủ lực như: lợn, trâu bò, gia cầm, các con nuôi đặc sản có giá trị (gà đông tảo, vịt trời, gà chín cựa, baba…). áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ trong chăn nuôi kết hợp với việc thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất. Thực hiện các hoạt động hợp tác, liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ thông qua các HTX và tổ hợp tác.
Trên lĩnh vực thủy sản, địa phương tiếp tục mở rộng diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa theo quy hoạch tăng 80 ha, nâng tổng diện tích chuyển đổi lên trên 472 ha, chủ yếu ở các xã Yên Hòa, Yên Thành, Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Thái. Mở rộng vùng ươm giống cá trắm cỏ Yên Hòa và vùng ươm cá giống tại xã Yên Thắng nhằm cung cấp giống thủy sản có chất lượng đảm bảo cho hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.
Tăng cường liên kết, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp
Để thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Yên Mô đã đề ra nhiều nhóm giải pháp để triển khai thực hiện như: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; tổ chức rà soát thực hiện quy hoạch ngành phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa, đào tạo nghề… Tuy nhiên, một trong những giải pháp quan trọng nhất mà Yên Mô tập trung thực hiện là đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đa dạng hóa các hình thức liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Huyện sẽ tập trung đổi mới, hoàn thành tổ chức lại các HTX theo Luật HTX năm 2012 và hướng dẫn các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả thông qua việc mở rộng, đa dạng các dịch vụ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chú trọng khuyến khích đầu tư vào khu sản xuất nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, đầu tư sản xuất vào lĩnh vực trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi, thủy sản, bảo quản chế biến nông sản. Phát huy, hoàn thiện mối liên kết đã có trong sản xuất nông nghiệp như liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngô ngọt, cà chua nhót, đậu xanh, lạc giống…
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai xây dựng mô hình thí điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp về sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại xã Yên Thái với các mô hình liên kết sản xuất đậu xanh giống vụ hè thu, mô hình sản xuất lạc giống vụ đông năm 2016. Theo ông Lê Văn Huân, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô: Với việc cụ thể hóa nội dung thực hiện từng lĩnh vực và giải pháp đề ra, ngoài mô hình điểm tại xã Yên Thái, huyện Yên Mô sẽ tập trung khảo sát, đánh giá, lựa chọn ra 1-2 xã làm điểm cho huyện về đề án tái cơ cấu nông nghiệp, có tổng kết, rút kinh nghiệm, từ đó nhân ra diện rộng.
Về vấn đề tăng cường hỗ trợ, tạo mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện, tại hội nghị triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Yên Mô, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Công ty cổ phần Tổng Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật 1 Trung ương… đã giới thiệu một số mô hình, một số giống cây trồng, con nuôi mới có thể áp dụng vào đồng đất Yên Mô ngay trong năm 2016 và đều khẳng định sẽ hỗ trợ, tạo mối liên kết với các địa phương trong huyện khi có vùng dự án. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cũng đã giới thiệu về chính sách ưu đãi, hỗ trợ khi vay vốn đầu tư phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và khẳng định: Hiện nay Ngân hàng đang tích cực triển khai Nghị định số 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận nhanh nhất với nguồn vốn ưu đãi với mức vay tăng 1,5-2 lần so với quy định cũ. Đặc biệt có các khoản vay lên đến 1 tỷ đồng đối với các HTX, trang trại có phương án làm ăn hiệu quả.
Hồng Giang