Những năm gần đây, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn huyện, nhất là các xã tiến hành xây dựng nông thôn mới làm cho diện mạo của Yên Mô ngày càng khởi sắc. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; an sinh xã hội được quan tâm…
Tuy nhiên, gắn liền với đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là tình trạng khó giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo báo cáo của UBND huyện Yên Mô, tổng nợ đọng xây dựng cơ bản của toàn huyện lũy kế đến hết tháng 6-2016 gần 122 tỷ đồng, trong đó các dự án huyện làm chủ đầu tư gần 44 tỷ đồng, các dự án do các xã, thị trấn làm chủ đầu tư gần 78 tỷ đồng.
Trong các xã, thị trấn thì xã Yên Thái có nợ đọng nhiều nhất là 9,5 tỷ đồng và xã Yên Thành có nợ đọng ít nhất 1 tỷ đồng.
Phân tích về nguyên nhân nợ đọng, đại diện lãnh đạo huyện Yên Mô cho rằng: Yên Mô là huyện thuần nông, kinh tế của huyện còn nghèo, tiềm năng phát triển kinh tế hạn chế và kết cấu hạ tầng phát triển chưa đồng bộ nên trong những năm gần đây nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội rất lớn.
Đặc biệt trong giai đoạn từ 2011-2015 thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc đầu tư xây mới các công trình đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn toàn huyện nói chung và các xã xây dựng nông thôn mới nói riêng.
Cùng với đó, do cơ chế, chính sách thắt chặt đầu tư công của Nhà nước nên các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương có tổng mức đầu tư lớn bị tạm dừng triển khai hoặc bố trí kế hoạch vốn thấp, phải thi công kéo dài, giảm hiệu quả đầu tư, tăng nợ đọng. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện bố trí hàng năm cho các công trình còn khó khăn. Nguồn vốn trái phiếu hỗ trợ xây dựng nông thôn mới chưa đảm bảo theo mức quy định.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của các chủ đầu tư còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là ở cấp xã, do đó có nhiều bất cập trong theo dõi, cập nhật số liệu nợ xây dựng cơ bản.
Công tác xã hội hóa, thu hút các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn đạt tỷ lệ thấp, các dự án đầu tư phải sử dụng ngân sách Nhà nước là chính, dẫn đến phát sinh nợ xây dựng cơ bản.
Một nguyên nhân nữa là nguồn vốn huy động cho đầu tư của cấp xã chủ yếu là từ đấu giá quyền sử dụng đất nhưng việc triển khai nội dung này những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do các khu đất có vị trí đẹp, giá trị lớn đã đấu hết từ những năm trước.
Mặt khác, việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện chủ yếu để phục vụ nhu cầu về nhà ở tại chỗ của nhân dân nên nguồn thu thấp, do vậy các địa phương không có đủ nguồn để bố trí thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa tích cực chỉ đạo giải quyết nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản.
Cũng theo đại diện lãnh đạo huyện Yên Mô, để khắc phục tình trạng trên, huyện Yên Mô đã nghiêm túc thực hiện các quy định về xử lý nợ xây dựng cơ bản. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản, các công trình chuyển tiếp, nếu không hiệu quả, khó khăn trong triển khai không bố trí vốn tiếp, cắt giảm quy mô hoặc tạm dừng.
Đối với nợ xây dựng cơ bản cấp xã, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ và thống kê chi tiết các dự án và các công trình trên địa bàn do xã, thị trấn làm chủ đầu tư, chi tiết các công trình hoàn thành chưa quyết toán, đánh giá khối lượng hoàn thành của công trình chuyển tiếp, công trình mới, đồng thời cơ bản phân tích rõ cơ cấu nguồn vốn đầu tư từ các nguồn (tỉnh, huyện, xã).
Về việc phân bổ đầu tư, huyện Yên Mô tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc: Ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản, bố trí nguồn thanh toán cho các công trình hoàn thành, tiếp theo bố trí cho các công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành trong năm kế hoạch.
Đồng thời hạn chế tối đa các công trình, dự án khởi công mới, chỉ khởi công mới các công trình thực sự cấp bách và cần thiết, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tiếp tục rà soát lại các công trình trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, không đầu tư xây dựng dàn trải, chỉ đầu tư cho các công trình thiết yếu đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhân dân.
Thực hiện công khai, minh bạch đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn, nâng cao vai trò giám sát cộng đồng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc giám sát đầu tư để tránh thất thoát, lãng phí.
Khuyến khích, thu hút các nguồn vốn xã hội hóa như: Tài trợ, hỗ trợ, đóng góp... để đầu tư cơ sở hạ tầng, dành vốn ngân sách Nhà nước xử lý nợ xây dựng cơ bản.
Bên cạnh các biện pháp trên, để thanh toán và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới, UBND huyện chỉ đạo các cấp, các ngành, chủ đầu tư nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng của Nhà nước.
Hồng Giang