Huyện đã tập trung chủ yếu vào những địa bàn trọng điểm là các xã vùng sâu, các xã đông dân, có mức sinh cao, nhằm tăng sự chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT), thực hiện giảm mức sinh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dân số.
Xác định truyền thông là vấn đề quan trọng, là tiền đề để các gói dịch vụ, đặc biệt là gói KHHGĐ đạt kết quả cao nhất, nên công tác tuyên truyền đã được Ban chỉ đạo chiến dịch huyện chỉ đạo thực hiện đồng bộ từ huyện xuống cơ sở, đến tận gia đình và từng người dân. Ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung chỉ đạo cơ sở tổ chức các hoạt động truyền thông vận động thông qua hệ thống đài phát thanh, sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm đối tượng, tổ chức ký cam kết không sinh con thứ 3 trở lên cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; tổ chức 18 buổi nói chuyện chuyên đề cho gần 2.000 lượt người nghe; làm 270 panô và băng zôn; cấp phát 11.600 tờ rơi; phát 364 lượt tin, bài qua hệ thống phát thanh huyện, xã, thu hút sự quan tâm hưởng ứng của nhân dân.
Đồng thời, huyện cũng tổ chức lễ ra quân chiến dịch rầm rộ nhằm tạo khí thế và gây ấn tượng mạnh cho chiến dịch tới cộng đồng và các nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, ở tuyến xã, thị trấn cũng tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn tại hộ gia đình trước, trong và sau chiến dịch, tập trung nhất vào các nhóm đối tượng là cặp vợ chồng sinh con một bề, đã sinh 2 con, đã sinh con thứ 3 trở lên, chưa sử dụng BPTT... Lập danh sách gửi Ban chỉ đạo chiến dịch, tổ chức tuyên truyền, tư vấn lựa chọn BPTT phù hợp và ký cam kết thực hiện KHHGĐ.
Trao đổi với chúng tôi, chị Vũ Thị Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chúng tôi đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, ban, ngành liên quan như y tế, hội phụ nữ... thực hiện chiến dịch một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, để chiến dịch đạt kết quả cao, việc điều tra, khảo sát nắm chắc đối tượng để tư vấn, động viên, giúp họ lựa chọn BPTT phù hợp cũng được làm kỹ càng. Đặc biệt, việc xã hội hóa công tác dân số được đẩy mạnh nên trong những đợt tổ chức chiến dịch truyền thông, hầu hết các xã tham gia chiến dịch đều có sự đầu tư thêm kinh phí, tăng cường chế độ, khuyến khích, chuẩn bị điểm khám, tổ chức vận động, đưa đón đối tượng chu đáo.
Những hoạt động thiết thực đó đã tạo được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Mọi người đến tham gia chiến dịch với tinh thần tự nguyện, tự giác, vì họ hiểu đây là cơ hội tốt để chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình. Kết thúc chiến dịch đợt 1, toàn huyện đã khám và chăm sóc sức khỏe cho 3.636 lượt phụ nữ, đã khám thai và tiêm phòng uốn ván cho 657 bà mẹ đang mang thai. Có 5.550 cặp vợ chồng thực hiện các BPTT, đạt 113% kế hoạch chiến dịch, đạt 93,3% kế hoạch năm, trong đó các BPTT lâm sáng đạt 114% kế hoạch chiến dịch, đạt 68,6% kế hoạch năm. Hầu hết các xã đều hoàn thành chỉ tiêu chiến dịch, trong đó có nhiều xã đạt kết quả cao như xã: Yên Phú, Mai Sơn, Yên Lâm... Huyện Yên Mô là đơn vị vượt chỉ tiêu của BPTT lâm sàng cao nhất tỉnh.
Bài, ảnh: Thanh Hà