Xã Yên Phong, mảnh đất được xem như "cái nôi" của nghệ thuật hát xẩm truyền thống, nơi đã sản sinh, nuôi dưỡng và lưu giữ giọng xẩm cổ của cố nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân dân gian hát xẩm Hà Thị Cầu. Từ lâu, Yên Phong đã rất nổi tiếng với phong trào văn hóa, văn nghệ dân gian, đặc biệt là hát chèo và hát xẩm. Sư thầy Thích Thanh Sự, Chủ nhiệm CLB chèo Yên Phong cho biết: Yên Phong là xã thuần nông nhưng nhân dân rất đam mê hát chèo. Người dân hát chèo bất cứ thời gian, địa điểm nào, có thể lúc cấy, lúc cầy, dịp đầu xuân năm mới, lễ, Tết... tất cả âm hưởng, ca từ, làn điệu chèo đều mang theo bầu nhiệt huyết căng tràn đối với nghệ thuật dân gian.
Chuyển biến rõ nét nhất đối với phong trào văn nghệ quần chúng ở Yên Phong chính là năm 1995, xã Yên Phong đại diện cho huyện Yên Mô tham dự Hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh đạt giải nhất về hát chèo. Từ đó CLB hát chèo, hát xẩm của xã được thành lập để làm nơi sinh hoạt thường xuyên cho những người yêu nghệ thuật. Những "diễn viên, ca sĩ, nhạc công" của CLB hát chèo, hất xẩm Yên Phong là những "nghệ sĩ chân đất" nhưng điều đáng quý của họ chính là sự say mê, nhiệt huyết, đam mê với nghệ thuật. Các làn điệu, các vở chèo, bài xẩm được thành viên trong CLB tự học hỏi, tìm tòi, truyền dạy cho nhau. Hát xẩm được truyền dạy cho các thành viên trong CLB chèo Yên Phong, để lưu giữ "vốn cổ" văn hóa dân gian.
Đến nay, Yên Phong đã thành lập được 2 CLB hát chèo, hát xẩm, thu hút trên 50 người tham gia thường xuyên: CLB chèo thôn Khương Dụ và CLB chèo làng Quảng Phúc. Nội dung sinh hoạt của CLB chèo Yên Phong hướng theo thời điểm, phù hợp với thời cuộc, không chỉ biểu diễn những bài chèo cổ, mà CLB đã biên soạn, biểu diễn các tiết mục phù hợp như phong trào dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đồng ruộng, phòng, chống ma túy... Tham gia Liên hoan hát chèo, hát xẩm huyện Yên Mô lần thứ nhất vào đầu tháng 12-2013, CLB chèo làng Quảng Phúc đã giành giải nhì.
CLB chèo làng Bình Hải (xã Yên Nhân) mới chính thức thành lập từ năm 2009, nhưng hoạt động rất sôi nổi, bài bản. Ông Mai Trường Giang, Chủ nhiệm CLB cho biết: Khi mới thành lập CLB chỉ có 5-7 thành viên tham gia luyện tập thường xuyên, nhưng đến nay, CLB đã thu hút trên 20 thành viên hoạt động, luyện tập thường xuyên. Thành viên trong CLB chèo Bình Hải là người làm nông nghiệp, đa dạng các độ tuổi từ 30 đến trên 60 tuổi, có gia đình cả 2 vợ chồng tham gia CLB như gia đình anh Mai Văn Nguyện (tham gia sáng tác kiêm nhạc công) và chị Phạm Thị Ngân (ca sĩ chính của CLB). "Quy chế" hoạt động của CLB rất chặt chẽ, tập luyện nghiêm túc, mỗi tuần 2 buổi tại đình làng Bình Hải. ở CLB làng Bình Hải, nội dung hoạt động chủ yếu của CLB là hát chèo cổ và hát xẩm, hát văn, hát quan họ và những ca khúc, ca cảnh tự biên, tự diễn của thành viên CLB. Điều đáng ghi nhận ở CLB chèo làng Bình Hải chính là tinh thần ham học hỏi, tự tập luyện của các thành viên. Tuy không qua trường lớp đào tạo nào nhưng được trời phú cho chất giọng ngọt ngào, ấm áp, truyền cảm đã đưa tiếng hát của những nghệ sỹ "nhà nông" bay cao, bay xa.
Phạm Thị Ngân, thành viên CLB làng Bình Hải cho biết: Đam mê hát chèo từ thuở nhỏ, tôi đã tự tìm đến với nghệ thuật chèo qua phong trào văn nghệ quần chúng. Ban đầu tự nghe, tự học cách ngâm, hạ giọng theo cung bậc các bài chèo, sau được các bà, các chị truyền dạy các làn điệu chèo tôi có điều kiện hiểu sâu hơn và quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, tôi được diễn viên Nhà hát Chèo Ninh Bình, Nhà hát Chèo Việt Nam giảng dạy 10 làn điệu xẩm cổ, qua đó tôi thấy mình càng đam mê hơn.
Đồng chí Vũ Văn Cung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Mô cho biết: Yên Mô là địa phương tiêu biểu trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, nhất là các loại hình văn nghệ dân gian. Hoạt động hát chèo, hát xẩm của huyện đã có thời gian khá trầm, nhưng trong những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phong trào văn nghệ quần chúng của huyện khơi dậy khá sôi nổi.
Hiện nay, toàn huyện đã thành lập được 28 CLB, đội chèo đi vào hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Trung bình 1 CLB có từ 15- 27 hội viên tham gia hoạt động thường xuyên. Các CLB, đội chèo hoạt động bài bản, sinh hoạt thường kỳ 1 tháng 2 lần đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho nhân dân. Hiện những xã có phong trào hát chèo, hát xẩm phát triển mạnh mẽ nhất trong huyện như các xã Khánh Thịnh, Yên Phong, Yên Nhân, Yên Hòa, Yên Mạc.
UBND huyện Yên Mô đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, quyết định hàng năm tổ chức "Liên hoan các CLB hát chèo, hát xẩm". Vừa qua, huyện Yên Mô đã tổ chức thành công liên hoan hát chèo, hát xẩm huyện lần thứ nhất, với gần 200 diễn viên, nhạc công của 11 CLB (thuộc 9 xã), đại diện cho 28 CLB tham gia. Tham dự liên hoan, các CLB hát chèo, hát xẩm đã thể hiện 36 tiết mục trích đoạn chèo cổ, chèo đương đại, hát xẩm, hát văn, hoạt cảnh, giá đồng, ca cảnh với nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, quê hương, đất nước, phong trào xây dựng nông thôn mới, ca cảnh phòng, chống tệ nạn xã hội, các trích đoạn chèo cổ Lưu Bình-Dương Lễ, Đào liễu hoàng tử; các bài xẩm Thập Ân.
Qua liên hoan nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các CLB giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ, phát hiện những tài năng trẻ trong phong trào văn hóa-văn nghệ quần chúng. Đây là hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa, góp phần tôn vinh và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa của vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Trong thời gian tới, để bảo tồn và lưu giữ nét văn hóa truyền thống, nhất là văn nghệ dân gian, ngành Văn hóa - Thông tin đã tham mưu cho lãnh đạo huyện xây dựng kế hoạch bảo tồn loại hình nghệ thuật hát chèo hát xẩm, quan tâm, hướng đến đối tượng trẻ tuổi. Đặc biệt sẽ phối hợp với ngành Giáo dục gắn với phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", đưa loại hình hát chèo, hát xẩm vào giảng dạy ngoại khóa trong các nhà trường, nhằm giáo dục truyền thống cũng như nét văn hóa đặc sắc của địa phương.
Bài, ảnh: Hồng Vân