Chị Nguyễn Thị Lệ Năm, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô trước đây làm công tác thư viện ở trường Tiểu học của xã. Thời gian đó, chị được nơi công tác đóng BHXH đầy đủ. Nhưng cách đây 7 năm, do điều kiện gia đình, chị nghỉ việc về nhà mở cửa hiệu chụp ảnh và photocopy. Được nhân viên đại lý BHXH xã Yên Mạc tư vấn, chị Năm chuyển sang đóng BHXH tự nguyện. Từ đó đến nay, dù đã chuyển sang làm lao động tự do nhưng chị có thể yên tâm bởi mình vẫn tham gia BHXH đầy đủ. Ngoài tham gia cho mình, chị Năm còn quyết định đóng BHXH tự nguyện cho chồng. Chị cho biết: "Nghề chụp ảnh thường làm theo mùa, có thời điểm làm ăn được, lúc lại không nên chúng tôi tính kế lâu dài vợ chồng phải có một mức lương cơ bản để đảm bảo cuộc sống, không gây gánh nặng cho con. Sau nhiều năm đóng BHXH tự nguyện, vợ chồng tôi sắp có lương hưu như cán bộ nhà nước, góp phần đảm bảo cuộc sống khi không còn sức lao động nữa".
Hiện trên địa bàn huyện Yên Mô chưa có nhiều người hiểu biết và thực hiện việc mua BHXH tự nguyện cho mình và người thân trong gia đình như chị Năm. Tìm hiểu được biết, có khá nhiều người vì điều kiện hoàn cảnh gia đình, vì chưa hiểu hết về loại hình bảo hiểm này nên đã để tuột cơ hội được tham gia và hưởng quyền lợi. Tiêu biểu như bà Trần Thị Tâm, xã Yên Thắng (Yên Mô), năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng bà vẫn phải đi giúp việc cho người quen để có nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống. Bà Tâm chia sẻ, trước đây bà làm lao công cho một cơ quan nhà nước. Khi đến tuổi về hưu, thời gian tham gia BHXH mới được 16 năm. Đã có người khuyên bà nên cố gắng đóng tiếp theo phương thức BHXH tự nguyện 4 năm còn lại để sau này được hưởng chế độ hưu hàng tháng và có thẻ BHYT khám, chữa bệnh, nhưng vì hoàn cảnh gia đình và không am hiểu nhiều về loại hình bảo hiểm này nên bà chọn chế độ thanh toán một lần. Lĩnh tổng số tiền được hơn 60 triệu đồng, bà Tâm trích một phần sửa lại nhà và chi tiêu trong vài tháng đã hết. Giờ đây, bà phải tiếp tục làm việc để phục vụ cuộc sống vì không muốn phụ thuộc vào con cái.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Thìn, xã Yên Đồng (Yên Mô) chia sẻ: "Từ trước đến nay tôi cũng đã biết về một số loại hình bảo hiểm như: y tế, thân thể, nhân thọ, vì đầu năm học nào cũng đóng tiền hoặc được tư vấn, chào mời mua cho con đang đi học; còn loại bảo hiểm cho nông dân đóng để về già được hưởng lương hưu thì đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến. Mà cũng khó lắm, thu nhập của chúng tôi, cả gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng, hết việc đồng áng lại tất tả đi làm thuê cũng chưa đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, lo cho con cái ăn học, có dôi dư được đâu mà nghĩ đến tham gia BHXH tự nguyện…".
Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Giám đốc BHXH huyện Yên Mô cho biết: Theo Luật BHXH, từ ngày 1-1-2008, nông dân, người lao động tự do làm theo mùa vụ, hay việc làm không ổn định có thể được hưởng phúc lợi xã hội khi tham gia BHXH tự nguyện. Thế nhưng, đã hơn 8 năm kể từ khi luật này có hiệu lực, trên địa bàn huyện Yên Mô mới chỉ có 153 người tham gia BHXH tự nguyện, là một trong những địa phương có tỷ lệ người tham gia thấp nhất tỉnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân chính là mặc dù đã có sự quan tâm tuyên truyền về các chính sách, chế độ của loại bảo hiểm này đến người dân, nhưng mức độ tuyên truyền chưa sâu sát, hiệu quả, nên đa số người dân vẫn chưa hiểu rõ về ý nghĩa, lợi ích nên chưa "mặn mà" với loại hình bảo hiểm có nhiều ưu việt này. Hơn nữa, mức đóng còn cao so với lao động phổ thông hiện nay. Bởi theo quy định của Luật BHXH thì người lao động tự do với thu nhập thấp tham gia BHXH tự nguyện phải đóng 22% mức thu nhập. Hiện nay, mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất, bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016-2020 là 700.000 đồng/tháng (tức là số tiền thấp nhất khi tham gia BHXH tự nguyện là 700.000 đồng x 22% = 154.000đồng/tháng). Cùng với đó, quyền lợi được hưởng của đối tượng khi tham gia BHXH tự nguyện cũng hạn chế là rào cản người dân tham gia loại hình bảo hiểm này. Cụ thể, đối với người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ là ốm đau, hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và được người sử dụng lao động đóng phí. Trong khi đó người tham gia BHXH tự nguyện phải lo hoàn toàn việc đóng phí, nhưng chỉ được hưởng 2 chế độ đó là hưu trí và tử tuất. Đấy là chưa kể, thời gian đóng 20 năm là quá dài, người dân chưa thấy được cái lợi trước mắt của loại hình bảo hiểm này…
Cũng theo ông Phó Giám đốc BHXH huyện Yên Mô, tiến tới BHXH toàn dân là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Luật BHXH để người dân thấy được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH tự nguyện, cần điều chỉnh một số quy định sao cho phù hợp, hài hòa với thực tế để thu hút người dân hưởng ứng và nhiệt tình tham gia.
Mỹ Hạnh