Nhờ những chính sách khuyến khích thu hút đầu tư kịp thời, huyện Yên Mô đã có 33 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, trong đó có 12 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, 11 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, 4 doanh nghiệp may, 5 doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống, 1 doanh nghiệp sản xuất khí công nghiệp.
Các doanh nghiệp cùng nhiều tổ hợp sản xuất, HTX ngành nghề ở các địa phương đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động và hàng chục nghìn lao động thời vụ.
Ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã phát triển mạnh và là ngành có giá trị sản xuất chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị sản xuất CN-TTCN, với các sản phẩm chính: Đá xây dựng, gạch đất nung, gạch không nung, đá mỹ nghệ, vôi củ, bê tông thương phẩm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 nhà máy gạch tuynen đang sản xuất với công suất 90-130 triệu viên/năm; ngoài ra Nhà máy gạch xã Yên Thành với công suất 30 triệu viên/năm, cuối quý IV sẽ đi vào hoạt động. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với các sản phẩm: Thảm cói, chiếu cói, mây tre đan, hàng bèo, lúa non tết bện, thêu ren, đính cườm... phát triển ổn định.
Nhiều xã có giá trị sản xuất CN-TTCN cao, tốc độ tăng trưởng nhanh như: Yên Nhân, Yên Lâm, Yên Từ, Yên Phong, Yên Thái, Khánh Dương... Giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện đều tăng qua các năm, 7 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện đạt gần 88 tỷ đồng (đạt 55% kế hoạch), trong đó sản xuất vật liệu xây dựng đạt gần 39 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong giá trị sản xuất CN-TTCN; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 17,5 tỷ đồng...
Ông Trần Quang Duẩn, Phó phòng Công thương huyện Yên Mô cho biết: Để hoạt động CN-TTCN được duy trì và phát triển, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn, vừa qua, Huyện ủy Yên Mô đã triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết 09-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", trong đó nhấn mạnh vào các giải pháp: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về "Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường" trong năm 2012; tổ chức rà soát các cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực... nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư; tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là các thủ tục về thuế và đất đai; ưu tiên nguồn vốn, có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Hồng Giang