Xã Yên Hòa là một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Mô. Mặc dù là xã thuần nông, đời sống người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền xã cùng với sự hưởng ứng của nhân dân và hỗ trợ của nhà nước năm 2015, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. "Phấn đấu đạt được NTM đã khó, giữ được NTM còn khó hơn.
Do đó ngay sau khi đạt chuẩn, Yên Hòa chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng xây dựng nông thôn tiên tiến, phát triển bền vững, đặc biệt là ưu tiên tổ chức sản xuất tái cơ cấu kinh tế, thực hiện quy hoạch và đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung... Mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập, cải thiện hơn nữa đời sống cho bà con nhân dân trên địa bàn xã" - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, Phạm Văn Ngân cho biết.
Hiện xã NTM Yên Hòa đã xây dựng được vùng chuyên rau - cá khu vực Liên Trì với diện tích 63ha, vùng chuyển đổi sản xuất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối tây Thái Lan kết hợp nuôi cá trên 15 ha, vùng sản xuất lúa - cá với diện tích 61,83 ha...
Các vùng sản xuất đều cho hiệu quả kinh tế cao, người dân đang tích cực mở rộng quy mô và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả. Gia đình ông Nguyễn Đình Tôn là một trong những hộ đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với mô hình chuyển đổi 5 sào ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối tây thái lan và nuôi cá giống, trồng rau các loại…
Ông Tôn cho biết: "Mô hình vừa tận dụng được nước tưới từ ao cho cây trồng, vừa tận dụng được phụ phẩm từ rau màu và chuối cho cá ăn, nên chi phí trong sản xuất giảm, không những thế thực phẩm lại đảm bảo sạch, an toàn. Hiện nay, cây sinh trưởng, phát triển khá tốt". Từ hiệu quả kinh tế mô hình của gia đình ông Tôn đem lại, đến nay, xã Yên Hòa có trên 20 mô hình trồng chuối, kết hợp nuôi cá, giá trị thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/ha.
Trong giai đoạn 2011 - 2018, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt hơn 4.883 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động được đầu tư thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó có tiêu chí thu nhập.
Năm 2014 toàn huyện đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, bình quân mỗi hộ đã giảm từ 3,8 thửa xuống 1,9 thửa, diện tích đất ngân sách cơ bản được dồn đổi tập trung theo quy hoạch. Hầu hết diện tích sản xuất lúa đã được cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Yên Mô đã triển khai thực hiện và mở rộng nhiều mô hình canh tác mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đất đai, khí hậu ở địa phương như: canh tác 4 vụ/năm, sản xuất chuối-cá, ao nổi, nuôi thỏ Newzealand, ếch, chạch sụn…
Chuyển đổi được hơn 724 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất mới (gồm trên 600 ha sản xuất cá-lúa, gần 30 ha ao nổi và 94 ha trồng cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản). Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác năm 2018 đạt 117,9 triệu đồng/năm, tăng 22,6 triệu đồng so với thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục phát triển, toàn huyện đã thành lập thêm 5 HTX và 13 tổ hợp tác chuyên ngành về nông nghiệp. Tổ chức sáp nhập, hợp nhất 8 hợp tác xã nông nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả. Đến nay đã có 18/38 hợp tác xã thực hiện dịch vụ liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các HTX đều có lãi. 100% số xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất.
Cùng với nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được duy trì, phát triển. Huyện đã tạo điều kiện cho 25 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy may mặc, giầy da xuất khẩu, sản xuất gốm sứ...và đi vào hoạt động thu hút hàng nghìn lao động địa phương.
Điều đáng nói là địa phương đã thu hút được doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Công ty TNHH giầy da ATHENNA) đầu tư tại cụm công nghiệp xã Yên Lâm, giải quyết việc làm ổn định cho 7.000 lao động. Mặt khác, các nghề truyền thống như nghề mộc, nề, sản xuất vật liệu xây dựng, thảm cói, thêu ren, mây tre đan, chế biến nông sản... tiếp tục phát triển, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông nhàn tại các địa phương.
Ngoài ra các ngành nghề dịch vụ - thương mại tiếp tục phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân của địa phương. Năm 2018 thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 38 triệu đồng/năm (tăng 18,5 triệu đồng so với năm 2011), đến nay đã có 14/16 xã đạt tiêu chí thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm còn 3,75% (giảm 8,74% so với năm 2011).
Ông Đỗ Thanh Nghị, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Với mục tiêu đến năm 2020 toàn huyện có 16/16 xã đạt tiêu chí thu nhập và năm 2021 huyện được công nhận là huyện NTM, trong thời gian tới Yên Mô sẽ tiếp tục hỗ trợ tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nhất là tại các vùng chuyển đổi tập trung, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTXNN, thành lập các HTX, tổ hợp tác chuyên ngành để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa. Tạo mọi điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong các cụm, điểm công nghiệp, nhất là các ngành nghề sử dụng nhiều lao động; thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ ở khu vực nông thôn.
Bài, ảnh: Giáng Hương