Toàn huyện chỉ có 5 doanh nghiệp nhà nước (Xí nghiệp vôi Yên Thành, Nhà máy bia Tam Điệp, Công ty xây lắp điện 1, Công ty san nền, Nhà máy gạch Yên Từ), 2 HTX gạch ngói và hơn 5.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp với giá trị sản xuất ngành CN-TTCN (năm 1995) đạt 14,2 tỷ đồng (giá cố định 1994), chỉ chiếm tỷ trọng 8% trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Các lĩnh vực sản xuất của ngành CN-TTCN trong những năm đầu khi tái lập huyện là: Khai thác đá với sản lượng 6.000 m3; sản xuất gạch thủ công với sản lượng 20 triệu viên, sản xuất vôi với sản lượng 300.000 tấn. Lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chủ yếu là đan thảm cói với sản lượng đạt 2,4 triệu m2, tập trung ở các xã Yên Từ, Yên Nhân, Yên Lâm, Yên Phú, Khánh Thịnh, Yên Đồng, Yên Thái; thêu ren đạt 20.000 bộ ở các xã Yên Mỹ, Yên Hòa, Yên Đồng, Yên Thái, Khánh Dương.
Sản xuất bún bánh tại xã Khánh Dương bằng thủ công, sản lượng đạt 400 tấn. Gia công sản xuất cơ khí chủ yếu bằng thủ công, sản phẩm chính là nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực chế biến lương thực còn đơn giản, sản lượng xay xát đạt 45.000 tấn, nghiền thức ăn gia súc đạt 3.500 tấn.
Có thể nói tại thời điểm tái lập huyện, Yên Mô gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt: sản xuất thuần nông, kinh tế kém phát triển, ngành nghề thủ công bị co hẹp, doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, cơ sở hạ tầng thiếu và không đồng bộ. Bên cạnh đó ngành công nghiệp khai thác còn thủ công, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng; ngành công nghiệp chế biến còn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất và phân phối điện chưa phát triển, sản xuất nước sạch chưa có.
Đứng trước những khó khăn, thử thách trên, ngay từ khi tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm cùng với tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển ngành nghề nông thôn. Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần giá trị công nghiệp - TTCN và dịch vụ, từng bước CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Do đó, tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN trong cơ cấu kinh tế tăng dần qua các năm. Năm 2000, giá trị sản xuất ngành CN-TTCN đạt 27,4 tỷ đồng, tăng 1,92 lần so với năm 1995, chiếm tỷ trọng 7,4% trong cơ cấu kinh tế. Năm 2013, giá trị sản xuất ngành CN-TTCN đạt 176,3 tỷ đồng, tăng 12,5 lần so với năm 1995, chiếm tỷ trọng 17,3% trong cơ cấu kinh tế (CN-XD là 34,4%). Năm 2014, ước giá trị ngành CN-TTCN đạt 211,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 25.400 lao động nông thôn. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành CN-TTCN giai đoạn 1995-2005 đạt 12,7%, giai đoạn 2006-2010 đạt 20% năm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 124 doanh nghiệp (tăng 17,7 lần so với năm 1995) đang hoạt động hiệu quả, tham gia sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực: sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, sản xuất mộc dân dụng, gia công sửa chữa cơ khí, sản xuất thực phẩm bún bánh, may công nghiệp. Trên địa bàn huyện hiện có 6 nhà máy sản xuất gạch tuynel với sản lượng 138 triệu viên/năm; 5 mỏ khai thác, chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng với sản lượng 150.000 m3/năm. Cụm công nghiệp Mai Sơn (được quy hoạch năm 2004) với 7 nhà đầu tư đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ khí, dịch vụ vận tải và dịch vụ du lịch, thương mại, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Nhóm ngành Công nghiệp chế biến là thế mạnh của Yên Mô, thu hút được nhiều lao động và có tiềm năng phát triển bền vững, lâu dài. Nghề chế biến cói, đan bèo, tết bện đang được duy trì và mở rộng tại các xã Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Nhân, Yên Phong, Yên Từ..., giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động chuyên và hơn 10.000 lao động thời vụ. Nghề thêu được duy trì tại các xã Yên Mỹ, Yên Nhân, Yên Thái, đảm bảo việc làm cho hàng trăm lao động. Nghề mộc phát triển mạnh đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của các xã Yên Mỹ, Khánh Thượng, Yên Phong, Yên Mạc.
Nghề may công nghiệp được quan tâm đầu tư, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động thường xuyên làm việc tại 4 nhà máy và hàng chục cơ sở may tại các xã. Toàn huyện có 11 làng nghề đạt tiêu chuẩn làng nghề cấp tỉnh, trong đó 9 làng nghề chế biến cói với hơn 5.000 lao động làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, đảm bảo thu nhập ổn định cho lao động nông nhàn. Làng nghề bún Yên Thịnh - xã Khánh Dương duy trì và phát triển đảm bảo việc làm cho hàng trăm lao động với sản lượng bún đạt 7-9 tấn/ngày đêm. Làng nghề xây dựng Bình Hải - xã Yên Nhân được UBND tỉnh chính thức công nhận là làng nghề cấp tỉnh năm 2012.
Sau 20 năm tái lập huyện, ngành CN-TTCN của Yên Mô đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều ngành mới phát triển, số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng 17,7 lần, giá trị sản lượng tăng 12,5 lần, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho 25.400 lao động nông thôn (gấp 5 lần so với năm 1995). Giá trị và sản lượng các ngành CN-TTCN hàng năm không ngừng tăng, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Đinh Chúc