5 năm qua, sản xuất nông nghiệp của Yên Mô được mở rộng về quy mô, năng suất và hiệu quả kinh tế đều tăng. Diện tích lúa cả năm được duy trì ở mức 13.500 ha với năng suất lúa năm 2012 đạt 124,36 tạ/ha/năm, tăng 3,16 tạ/ha/năm so với năm 2008; sản lượng đạt 82.415 tấn/năm, tăng 3.967,2 tấn so với năm 2008. Diện tích lúa chất lượng cao, lúa đặc sản tăng dần qua các năm. Năm 2008 chiếm 21,1% tổng diện tích lúa, năm 2012 chiếm 50,9%. Toàn huyện thực hiện gieo cấy 100% trà xuân muộn và 70-75% trà mùa sớm để chủ động có nguồn quỹ đất phát triển, mở rộng vụ đông (3.000 ha/năm). Đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng lúa cao sản, lúa chất lượng cao; vùng sản xuất rau; vùng thâm canh lúa-cá ở Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Thái. Một số doanh nghiệp và đơn vị: công ty cổ phần TPXK Đồng Giao, Viện nghiên cứu ngô, Trung tâm đậu đỗ, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng sản xuất và thu mua, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho một số địa phương. Do đó giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác được nâng cao và chủ động được đầu ra cho người nông dân.
Trong chăn nuôi, huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, đưa giống vật nuôi có năng suất, chất lượng phù hợp vào địa bàn; phát triển đàn lợn nái ngoại, cải tạo đàn bò theo hướng Sind hóa, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi với quy mô vừa và nhỏ. Năm 2012, toàn huyện có 22 trang trại (17 trang trại chăn nuôi, 5 trang trại thủy sản), nhiều trang trại có thu nhập từ 70-120 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 102.684 triệu đồng, tăng 28.053 triệu đồng so với năm 2008. Thủy sản có bước phát triển khá với việc mở rộng diện tích nuôi vùng ruộng trũng.
Năm 2012 đạt 914 ha, tăng 133 ha so với năm 2008; sản lượng đạt 91.052 triệu đồng, tăng 42.862 triệu đồng so với năm 2008. Mô hình nuôi cá ruộng trũng kết hợp với cấy lúa phát triển khá mạnh ở các xã Yên Đồng, Yên Thái, Yên Thắng và đã có 219 ha thực hiện theo phương thức cá-lúa cho giá trị thu nhập từ 90-120 triệu đồng/ha/năm, cao hơn cấy lúa đơn thuần từ 2-3 lần. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26, sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, chuyên canh cao, đưa tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp bình quân năm 2012 đạt 290.824 triệu đồng, tăng 35.594 triệu đồng so với năm 2008; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 96,3 triệu đồng/năm, tăng 30,6 triệu đồng so với năm 2008.
Đồng chí Đinh Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Nông dân là vấn đề trọng tâm của Nghị quyết 26. Để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân, ngoài việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, TTCN, dịch vụ..., huyện còn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phục vụ đời sống dân sinh. Mạng lưới y tế cơ sở trong huyện được củng cố, đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đến nay, 16/17 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế (giai đoạn 1), có 14 trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ và 54% người dân tham gia BHYT. Hệ thống trường học được đầu tư nâng cấp theo hướng kiên cố hóa. Đến nay có 11/18 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đã 4 trường đạt chuẩn mức độ 2, 11/17 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia. Chương trình xây dựng, sửa chữa nhà dột nát được thực hiện theo hướng xã hội hóa với sự chung tay, góp sức của nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. 5 năm qua, toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 266 nhà tạm, nhà dột nát với kinh phí trên 9 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm toàn huyện tổ chức được 33 lớp dạy nghề cho nông dân, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn được quan tâm, chỉ đạo 100% xã, thị trấn có tổ thu gom rác thải.
Năm 2012, toàn huyện đã xây dựng 11 bãi chứa rác thải, tiếp nhận và bàn giao 195 xe đẩy tay thu gom rác cho các thôn xóm. Toàn huyện đã xây dựng được 6 nhà văn hóa xã, 175 nhà văn hóa thôn, xóm; có 29 sân bóng đá do cấp xã quản lý, 70 sân bóng chuyền, 66 sân cầu lông, 4 sân bóng rổ, 2 sân tenis, 4 nhà tập thi đấu thể thao. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) giảm dần qua các năm. Năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 9,66%, giảm 1,78% so với năm 2008; hộ cận nghèo chiếm 8,41%. 100% số hộ được sử dụng lưới điện quốc gia; thu nhập người dân nông thôn đạt khoảng 16,05 triệu đồng/người/năm; 98% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Trong 5 năm qua, toàn huyện đã chỉnh trang, nâng cấp, làm mới 240,9 km đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng; xây mới 1.134 cống các loại qua đường giao thông. Các xã: Yên Thắng, Yên Thái, Yên Phong, Yên Từ... đã tích cực vận động nhân dân góp công, góp của, hiến đất để thực hiện chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng đường giao thông thôn, xóm đạt chuẩn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đã có 1.000 hộ dân hiến 31.471 m2 đất, đóng góp 31.471 ngày công và nguyên vật liệu trị giá 18 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa. Hệ thống thủy lợi cũng được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, phục vụ cho tưới tiêu và dân sinh.
Toàn huyện đã nâng cấp 32 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 18,4 km kênh mương và nâng tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa lên 83,26%. Nhiều trạm bơm trên địa bàn huyện được xây mới hoặc nâng cấp đáp ứng yêu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Đến hết năm 2012, xã Yên Thắng đạt 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 5 xã đạt 9 tiêu chí (Yên Từ, Khánh Thịnh, Yên Phong, Khánh Dương, Yên Phú); 1 xã đạt 8 tiêu chí (Khánh Thượng); 7 xã đạt 7 tiêu chí (Yên Mỹ, Yên Hưng, Yên Mạc, Yên Lâm, Yên Thái, Yên Thành, Mai Sơn); 1 xã đạt 6 tiêu chí (Yên Đồng); 2 xã đạt 5 tiêu chí (Yên Nhân, Yên Hòa).
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Yên Mô đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chuyển dịch chậm; sản xuất nông nghiệp vẫn phân tán, manh mún; dịch vụ nông thôn phát triển không đều; giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN chưa cao; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; một bộ phận nông dân còn khó khăn... Mục tiêu trong thời gian tới của huyện là tập trung nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5-5,5%/năm; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; tiếp tục thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng; tạo việc làm cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo...
Phấn đấu đến hết năm 2015 có 5 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Các giải pháp huyện đề ra là: Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 26; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động sâu rộng trong nhân dân về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; triển khai quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch; huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho sản xuất và dân sinh; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn, nâng cao năng lực hoạt động dịch vụ của các HTX nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thâm canh, chuyên canh; hoàn thiện thiết chế văn hóa ở nông thôn, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa; thực hiện xã hội hóa công tác giáo dục, y tế... nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ thôn, xóm.
Đinh Chúc