Yên Mô: Chú trọng bảo vệ các công trình trọng điểm, xung yếu trong phòng, chống thiên tai
Chủ Nhật, 22/05/2022, 01:52
Zalo
Với phương châm lấy phòng ngừa là chính, chủ động về mọi mặt, huyện Yên Mô đã xây dựng phương án bảo vệ các vị trí trọng điểm trong phòng chống lụt bão để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Yên Mô: Chú trọng bảo vệ các công trình trọng điểm, xung yếu trong phòng, chống thiên tai
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, sự nỗ lực của huyện, một số tuyến đê và các cống dưới đê trên địa bàn đã được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Trên địa bàn huyện Yên Mô hiện có 10 tuyến đê với tổng chiều dài 119,7 km và 149 cống dưới đê được xây dựng đã lâu bằng nhiều hình thức, nhiều chất liệu và nhiều kết cấu khác nhau. Hiện nay, có khoảng 80% số cống trên địa bàn hoạt động đảm bảo, 20% số cống hoạt động kém hiệu quả.
Hệ thống kênh mương nội đồng được xây dựng đã lâu nhưng hằng năm đều được các xã, thị trấn, các hợp tác xã nông nghiệp củng cố, nạo vét đáy kênh, đắp bờ kênh đảm bảo vận chuyển nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Trên địa bàn huyện còn có 2 hồ chứa với dung tích 16,4 triệu m3 nước, gồm hồ Yên Thắng và hồ Yên Đồng đang hoạt động ổn định.
Yên Mô hiện có 34 trạm bơm do Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện quản lý, khai thác. Trong đó, 8 trạm chuyên tưới, 15 trạm bơm tưới tiêu kết hợp và 9 trạm bơm chuyên tiêu, với tổng công suất là 318.800 m3/h. Ngoài ra, các trạm bơm do các hợp tác xã nông nghiệp quản lý, khai thác với công suất 233.880 m3/h với nhiệm vụ khoanh vùng, tiêu thoát nước cục bộ.
Đồng chí Đặng Thái Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định phòng, chống lụt bão là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, chính vì vậy hàng năm trước mùa mưa bão huyện tổ chức các đoàn đi kiểm tra các công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là các vị trí trọng yếu, yêu cầu cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn xây dựng phương án bảo vệ an toàn cho người và tài sản của nhân dân.
Cùng với việc xây dựng các phương án bảo vệ các vị trí trọng điểm trong phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra… Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã tổ chức hiệp đồng PCTT-TKCN với các đơn vị quân đội, chỉ đạo các đơn vị duy trì lực lượng hộ đê bao gồm lực lượng địa phương và các cơ quan đóng trên địa bàn. Rà soát, triển khai phân công, bố trí các lực lượng thường trực hộ đê theo từng cụm, từng tuyến đê, sẵn sàng ứng phó kịp thời với diễn biến thiên tai theo đúng phương châm "4 tại chỗ" .
Đê hữu sông Vạc, đoạn từ cầu Rào, xã Yên Phong đến ngã ba sông Bút, xã Yên Từ cần sửa chữa cấp bách để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn huyện Yên Mô một số tuyến đê chính hiện đang có nguy cơ xuống cấp cần phải nhanh chóng khắc phục để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay.
Tại đê hồ Yên Thắng, đoạn từ Bình Hào, xã Yên Thắng đến Eo Bát, xã Yên Thành, đoạn đê có chiều dài 2,5 km; được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2002 nhưng từ đó đến nay chưa được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, hiện tại mặt đê bị nứt gãy, nhiều vị trí bị phá hủy không đảm bảo an toàn cho hồ chứa và an toàn giao thông. Trong khi tuyến đê này đồng thời là đường giao thông chính từ các xã phía nam của huyện Yên Mô lên thành phố Tam Điệp.
Tuyến đê hữu sông Vạc đoạn từ cầu Rào, xã Yên Phong đến ngã ba sông Bút, xã Yên Từ, có chiều dài 3,7km được nâng cấp từ năm 2002; mặt đê chưa đủ cao trình thiết kế, gồ ghề, lồi lõm, nhiều vị trí tạo rãnh rất khó khăn cho việc tuần tra đê cũng như giao thông của người dân.
Tuyến đê sông Ghềnh và tuyến đê hữu Vạc nằm trong các dự án bị giãn, hoãn từ năm 2010 nên hiện tại một số đoạn đê chưa đủ cao trình thiết kế, mặt đê gồ ghề, lồi lõm, thường xuyên bị đọng nước tạo rãnh dọc đê, rất khó khăn trong công tác đi lại, kiểm tra đê điều, tìm kiếm cứu nạn, giao thông phục vụ sản xuất và giao thương của nhân dân các xã Khánh Thượng, Khánh Dương, Khánh Thịnh, Yên Phong, Yên Từ và Yên Nhân.
Các tuyến đê này đã được dừng triển khai để quyết toán, kết thúc dự án theo Văn bản số 945/UBND-VP4 ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh về việc cắt giảm quy mô, tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật, dừng triển khai để quyết toán đối với các dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư có thời gian kéo dài, không đảm bảo cân đối vốn để hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện Yên Mô: Để đảm bảo an toàn đê điều, chủ động công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 nhằm bảo vệ sản xuất, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong những năm tới, UBND huyện Yên Mô đề xuất đầu tư nâng cấp 3 hạng mục công trình trọng điểm, xung yếu để phòng chống thiên tai năm 2022 đó là: Đê hồ Yên Thắng, đoạn từ Bình Hào, xã Yên Thắng đến Eo Bát, xã Yên Thành; tuyến đê hữu sông Vạc đoạn từ cầu Rào, xã Yên Phong đến ngã ba sông Bút, xã Yên Từ; tuyến đê hữu sông Ghềnh đoạn từ cống Đầm Khánh, xã Yên Thắng đến cầu Liên Trì, xã Yên Hòa.
Trước mắt, để chủ động phòng, chống thiên tai và TKCN trong mùa mưa bão năm 2022, huyện Yên Mô tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCTT và các quy định của pháp luật về đê điều để nhân dân chủ động và tự giác thực hiện; triển khai tập huấn kỹ thuật hộ đê, kỹ thuật chằng chống nhà cửa ứng phó với thiên tai; động viên, hướng dẫn nhân dân vùng có nguy cơ ngập lụt chuẩn bị các phương tiện thuyền bè nhỏ, dự trữ lương thực, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước để chủ động đối phó khi ngập lụt xảy ra; từng bước nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó, phục hồi của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai.