Vụ Đông Xuân năm 2017-2018, huyện Yên Mô phấn đấu gieo trồng trên 7.500 ha, trong đó hơn 6.500 ha lúa, năng suất đạt 66,5 tạ/ha. Về cơ cấu giống, Yên Mô chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, đưa các cây trồng có năng suất, chất lượng phù hợp với từng địa phương để nâng cao hiệu quả năng suất; mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao và lúa nếp các loại, lúa thuần chất lượng khá với diện tích đạt trên 70%. Các giống lúa chủ yếu được sử dụng và mở rộng: Nhị ưu 838, Thục hưng 6, Thái Xuyên 111, CT16, LT2, Bắc thơm số 7, DQ11, QR1, Thiên ưu 8, Hoa ưu 109... Về cây lạc, sử dụng các giống L14, L15, L18, L27.... Huyện đã khuyến cáo bà con nông dân nên sử dụng giống lạc sản xuất ở vụ Đông để gieo trồng đảm bảo tỷ lệ nảy mầm cao, sức nảy mầm khỏe.
Với những HTX nông nghiệp không trồng lạc đông có nhu cầu giống lạc cho sản xuất vụ Đông Xuân cần liên hệ với các HTX có diện tích trồng lạc đông diện tích lớn như: HTX nông nghiệp Đông Thôn, Quảng Trung, Quảng Công, Quảng Bình... để cung ứng giống phục vụ cho bà con gieo trồng. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương tích cực mở rộng diện tích lúa gieo vãi ở những vùng chủ động tưới tiêu, phấn đấu diện tích lúa gieo vãi đạt 70% diện tích. Lịch thời vụ, huyện tập trung hoàn thành gieo cấy lúa xong trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất và cây màu cơ bản xong trước 15/2.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, đến nay công tác chuẩn bị cho sản xuất đã hoàn thành. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân tập trung gieo mạ đảm bảo đúng lịch thời vụ, 100% diện tích được che phủ bằng nilon để chống rét, chống chim, chuột phá hại.
Với phương châm "ải phải nỏ, dầm phải ngấu" các HTX nông nghiệp huy động phương tiện, nhân lực tập trung cày ải sớm ở những diện tích đất vùng vàn, vàn cao và đất lúa màu không trồng cây vụ Đông; cày ngả, làm dầm đối với những diện tích đất vùng trũng. Những diện tích trồng cây vụ đông, khi thu hoạch đến đâu đã tiến hành cày ngả luôn đến đó. Những diện tích gieo vãi hiện các địa phương đang bắt đầu làm đất đảm bảo tơi nhuyễn và bằng phẳng để thuận tiện cho việc điều tiết nước dưỡng lúa.
Cùng với công tác làm đất, các HTX nông nghiệp và Chi nhánh KTCTTL huyện đã chủ động ký hợp đồng tưới tiêu ngay từ đầu năm, lập kế hoạch và tiến hành bảo dưỡng, tu sửa trạm bơm, đường điện, nạo vét hệ thống kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa, cống nội đồng để chủ động tưới tiêu, kịp thời phục vụ sản xuất.
Chi nhánh KTCTTL huyện và các địa phương sử dụng nước thủy triều thường xuyên kiểm tra độ mặn, tiến hành lấy nước vào đồng đổ ải, làm đất. Nhìn chung, toàn bộ diện tích gieo cấy đã cơ bản đủ nước.
Đến nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang diễn ra thuận lợi và theo đúng kế hoạch. Theo báo cáo của huyện Yên Mô, tính đến ngày 23/1, toàn huyện đã gieo trên 1.366 ha mạ, diện tích cày ngả gần 6.300 ha, trong đó diện tích làm dầm lần 1 trên 4.500 ha, diện tích làm đất được cấy là trên 1.200 ha. Về cây màu, toàn huyện đã gieo trồng hơn 40 ha, chủ yếu là cây lạc, khoai tây, ngô ngọt, ngô thành phẩm, cây thuốc lào.
Cũng theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, cùng với công tác chuẩn bị, các biện pháp kỹ thuật về làm đất, gieo mạ, lấy nước, trong thời gian tới, huyện Yên Mô tiếp tục kiểm tra, theo dõi sát tình hình sản xuất, chỉ đạo các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung gieo cấy theo lịch thời vụ, đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất.
Sau gieo cấy tiến hành ngay vào công tác chăm sóc, điều tiết nước phù hợp cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Trong đó thực hiện tốt phương châm "bón đúng, bón đủ, bón cân đối NPK" tùy thuộc vào từng giống và từng chân đất. Bón tập trung, kết thúc sớm, bón "nặng đầu, nhẹ cuối".
Căn cứ vào điều kiện thời tiết, chân đất, tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp với phương châm tăng lượng phân kali, giảm lượng đạm để tăng khả năng chống đổ và sâu bệnh hại. Bón lót sâu nhất đối với diện tích lúa gieo vãi, bón thúc sớm khi lúa bén rễ, hồi xanh, kết hợp bón thúc với làm cỏ, tỉa dặm, chú ý giữ đủ nước giai đoạn bón phân, chăm sóc lúa.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sinh trưởng của cây trồng, diễn biến các đối tượng dịch hại chính trên các cây trồng, như: bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu khoang, sâu cuốn lá... Dự báo sát, đúng thời gian phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của các đối tượng dịch hạo chính trong vụ, có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Tổ chức thực hiện tốt công tác diệt chuột để bảo vệ sản xuất theo 3 đợt chính: đợt 1 khi đổ ải, đợt 2 sau khi cấy và đợt 3 khi lúa phân hóa đòng. Thực hiện tổng hợp các biện pháp diệt chuột, trong đó ưu tiên các biện pháp thủ công như đào, đắp kết hợp sử dụng cạm, bẫy, thuốc sinh học để diệt chuột, hạn chế thuốc hóa học.
Hồng Giang