Yên Lộc có 13 xóm, với 2 HTX nông nghiệp: Bắc Lộc và Nam Lộc. Tổng diện tích ruộng giao cho các hộ nông dân gần 372 ha, bình quân mỗi khẩu là 570 m
2 (khoảng 1,6 sào). Tuy nhiên, diện tích ruộng này bao gồm rất nhiều ô, thửa nhỏ lẻ, manh mún và có thửa chỉ 30 m
2. Số thửa bình quân của từng hộ là 2,97, nhưng có gia đình có tới 7 thửa ruộng. Theo thống kê của xã, 64% số hộ có nhiều hơn 3 thửa. Đây là khó khăn lớn cho người nông dân khi phải mất nhiều chi phí và công sức trong sản xuất nông nghiệp.
Nhận thức được khó khăn đó từ tháng 5-2013, Yên Lộc triển khai thực hiện DĐĐT. Cán bộ địa chính phối hợp với Ban quản trị 2 HTX nông nghiệp và các xóm tiến hành công tác khảo sát, thống kê diện tích từng ô thửa của từng hộ, từng xóm; thống kê diện tích quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng. Khảo sát quy hoạch, tiến hành lập thiết kế dự toán xây dựng hệ thống kênh mương và đường giao thông nội đồng. Số liệu được giao cho bộ phận giúp việc của Ban chỉ đạo để lập phương án DĐĐT trình Đảng ủy, Thường trực HĐND, UBND xã xem xét cho ý kiến, triển khai họp Đảng bộ, Đảng ủy ban hành Nghị quyết lãnh đạo công tác DĐĐT. Trong đó, UBND xã, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới và Ban chỉ đạo DĐĐT xã Yên Lộc là các đơn vị trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện.
Đồng chí Phạm Văn Son, Chủ tịch UBND xã Yên Lộc, Phó Ban chỉ đạo DĐĐT xã cho biết: Lúc đầu, xã gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền tới người dân về lợi ích và quy trình DĐĐT. Vì thế đã phải tổ chức nhiều hội nghị tại các xóm, trình bày hiệu quả, lợi ích của việc DĐĐT và các phương án thực hiện để người dân tự lựa chọn. Chính vì thế, người dân đã hiểu rõ và rất ủng hộ.
Trong quá trình thực hiện, thủy lợi nội đồng, đào đắp kênh mương, đường giao thông nội đồng được chú trọng triển khai sớm nhằm định hình rõ ràng phần ruộng phân chia mới, đồng thời đảm bảo tưới tiêu nước tốt nhất cho các xứ đồng. Giao thông nội đồng được hoàn chỉnh cũng là tiền đề quan trọng trong việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.
HTX Bắc Lộc quy hoạch và mở rộng 82 tuyến đường nội đồng và kênh mương với tổng chiều dài 23.754,9 m, khối lượng đào đắp 27.084,2 m3; HTX Nam Lộc quy hoạch và mở rộng 32 tuyến kênh mương, 79 tuyến đường nội đồng với tổng chiều dài 33.377,5 m, khối lượng đào đắp 52.372,5 m3. Được biết ở Yên Lộc, mỗi hộ gia đình tự nguyện đóng góp 11m2 và 150.000 đồng mỗi sào để đào đắp kênh mương, làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng. Tuy chưa thể cứng hóa, song so với trước đã thuận tiện hơn rất nhiều.
Cuối năm 2013, khi các khâu chuẩn bị đã hoàn tất, việc giao lại ruộng cho người dân được tiến hành để kịp thời vụ gieo cấy vụ đông xuân 2014. Các xóm tổ chức họp dân để thống nhất phương án chia ruộng đất cho phù hợp, thuận với lòng dân. Bởi thế, ở 10 xóm chọn hình thức dồn đổi, bốc thăm, còn 3 xóm khác lại thống nhất chọn hình thức chuyển dịch mô, vè. Các thôn xóm ở đây cũng thừa kế ưu điểm được đúc, rút ra từ công tác DĐĐT ở năm 1993 để tiến hành bốc thăm chia ruộng cho nhân dân. Ruộng được chia theo số hộ trong xóm, quy định một thửa ruộng làm mốc khởi điểm, mỗi thửa tương ứng với một phiếu bốc thăm trong hòm đặt trước sự chứng kiến của người dân.
Mỗi hộ sẽ có đại diện lần lượt bốc thăm, bốc được lá thăm số bao nhiêu thì mảnh ruộng gia đình được nhận sẽ tương ứng với số đó. Căn cứ vào số đó, UBND xã thành lập tổ đo đạc để đo, chia ruộng cho từng hộ. Hình thức chuyển dịch mô, vè là căn cứ vào số thăm đã bốc năm 1993 nay chuyển về thửa ruộng có số mới với tổng diện tích ruộng cũ. Kết quả, sau DĐĐT, bình quân chung toàn xã còn 1,27 thửa/hộ với đa số các hộ gia đình đều chỉ có 1 thửa.
Đánh giá sự thành công và lợi ích của việc thực hiện DĐĐT, bác Hoàng Thị Nhiệm, xóm 8 Yên Lộc chia sẻ: Nhờ công tác DĐĐT, 2 vụ lúa vừa qua, gia đình tôi được cấy trên một thửa ruộng (gần 1 mẫu). Trước đây nhà có 2 thửa, cách nhau gần 1 km khó khăn bao nhiêu, thì nay, tập trung ở một thửa ruộng, nên rất thuận lợi cho việc đi lại, chăm bón và thu hoạch.
Vụ lúa mùa vừa qua, khi thu hoạch đưa được máy gặt đập vào, chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ lúa ra lúa, rơm ra rơm. Lúa đóng thành bì, bốc ngay xuống đầu bờ chỉ việc mang xe chở lúa về nhà phơi. Trước đây, giá nhân công gặt bằng tay 170 nghìn đồng/sào, trong khi gặt bằng máy chỉ còn 120.000 đồng/sào, lại đỡ bị hao hụt khi thu hoạch. Hơn nữa, trước khi thực hiện dồn đổi, các tuyến đường ra đồng thường nhỏ, lồi lõm… máy nông nghiệp không thể đi lại một cách dễ dàng như bây giờ. Nói chung, việc thực hiện DĐĐT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Đồng quan điểm với bác Nhiệm, bác Nguyễn Mạnh Hùng, xóm 6 xã Yên Lộc tâm sự : Tôi thực sự rất mừng, vì trước đây ruộng nhà tôi có 4 mảnh nhưng sau khi thực hiện DĐĐT chỉ còn một thửa. Gia đình tôi cấy khoảng 1 mẫu với 4 thửa. Bây giờ có thửa ruộng lớn rồi, gia đình tôi thực hiện gieo thẳng giống lúa Tám thơm, tiết kiệm cả chi phí cấy, thời vụ…Vụ lúa vừa rồi năng suất đạt 2 tạ/sào, tuy năng suất không cao hơn so với những vụ trước nhưng giá trị kinh tế lại hơn nhiều….
Như vậy, việc DĐĐT không chỉ góp phần xóa bỏ những mảnh ruộng nhỏ lẻ, manh mún, giúp người nông dân tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí trong sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần nâng cao năng suất và giá trị trên 1 ha canh tác, trên cơ sở đó thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới
Bài, ảnh: Thái Học