Đồng chí Phạm Văn Phan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Lộc vui mừng cho biết: Xã Yên Lộc có 13 xóm với trên 2.450 hộ và gần 8.900 khẩu, trong đó đồng bào theo đạo Công giáo chiếm 4%. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, phát huy thế mạnh của một xã có điều kiện thuận lợi về giao thông, có đường quốc lộ chạy qua, có nguồn lao động dồi dào, năng động, xã Yên Lộc đã tập trung phát huy những lợi thế đó trong phát triển kinh tế - xã hội để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thiện các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc duy trì và nâng cao nghề dệt chiếu cói truyền thống, xã đã tích cực phối hợp với các đoàn thể, công ty, doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề điện dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, đan lát tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, các lớp tập huấn sản xuất cánh đồng mẫu lớn… nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, từ đó giúp cho nhiều lao động nông thôn được học nghề và có việc làm ổn định.
Do đó, đã xây dựng, nhân rộng được một số mô hình hiệu quả, như mô hình dệt chiếu bằng máy của hộ gia đình ông Lương Văn Cử, Lương Văn Phả, xóm 2; một số mô hình điển hình trồng thanh long ruột đỏ, trồng nấm rơm, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, xã thực hiện rà soát quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hoàn thành sớm với tổng diện tích thực hiện gần 400 ha, hiện bình quân đạt 1,19 thửa/hộ.
Toàn xã hiện có 54 máy làm đất, 5 máy gặt đập. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên ha canh tác năm 2014 đạt 118 triệu đồng/ha. Đồng thời khuyến khích các hoạt động thương mại và dịch vụ với nhiều hình thức, loại hình dịch vụ như: Vật liệu xây dựng, vận tải, buôn bán hàng hóa, may mặc và các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh.
Hiện trên địa bàn xã có 6 doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm từ ngành công nghiệp, 1 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp.
Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ năm 2015 đạt trên 100 tỷ đồng. Thu nhập bình quân hiện nay của người dân trên địa bàn xã đạt gần 28 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo chỉ còn 72 hộ, chiếm tỷ lệ 2,93%.
Được biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, với thuận lợi sẵn có, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, sự cần thiết của chương trình cũng như vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình trong xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở đó rà soát, đánh giá cụ thể, chính xác các tiêu chí còn lại để nỗ lực triển khai thực hiện các tiêu chí theo kế hoạch từng năm nhằm tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương, địa phương và sức dân để hoàn thành các tiêu chí.
Cụ thể như, khi bước sang năm 2014, xã còn 4 tiêu chí chưa hoàn thiện, bao gồm: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa. Trước thực tế đó, xã đã có những giải pháp cụ thể, sát thực để từng bước phấn đấu thực hiện.
Trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu giống diễn ra mạnh mẽ, xã đã đưa trên 80% diện tích lúa chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng mô hình "ba tầng" trong sản xuất để thay thế cho các diện tích cấy lúa cho năng suất thấp với trên 30 ha, chú trọng phát triển và mở rộng 6 làng nghề truyền thống nhằm thu hút thêm lao động và tạo điều kiện về vốn vay, kiến thức, đào tạo nghề để lao động có việc làm ổn định. Cùng với đó huy động sức dân trong thực hiện tiêu chí giao thông, thủy lợi, xây dựng các công trình công cộng.
Kết quả, nhân dân đã hiến hơn 13 ha đất, đóng góp gần 40 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng giá trị nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó đóng góp làm đường giao thông gần 9 tỷ đồng, xây dựng nhà văn hóa hơn 1,6 tỷ đồng, dồn điền, đổi thửa gần 1,7 tỷ đồng, mua xe rác, vận chuyển thu gom rác thải trên 2,3 tỷ đồng…
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Yên Lộc đã có sự đổi thay toàn diện. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng; văn hóa - xã hội được phát huy, thiết chế văn hóa ở cơ sở từng bước được tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được ổn định, giữ vững.
Niềm vui "kép" đã đến với xã Yên Lộc khi vào cuối tháng 12-2015, xã tổ chức lễ đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới của UBND tỉnh và đón danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp" do Đảng và Nhà nước phong tặng. Có được niềm vui này là sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã chung sức, đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong nhiều năm qua.
Hạnh Chi