Ở phố 5, thị trấn Yên Ninh, người dân thường kể cho nhau nghe về nghị lực phi thường của người phụ nữ khuyết tật Nguyễn Thị Hòa. Một gia đình hạnh phúc, hai trong số ba người con của bà tốt nghiệp đại học đều có công ăn việc làm ổn định, có mái ấm gia đình riêng. Một xưởng may nho nhỏ- nơi mà gần 20 năm nay, bà vừa truyền nghề, vừa truyền nghị lực, niềm tin cho những người cùng cảnh ngộ. "Gia sản" ấy của bà Hoa khiến nhiều người ngưỡng mộ, cảm phục.
Vậy nhưng, khi kể về cuộc đời mình, bà Hòa vẫn nói rằng bà còn nhiều điều tiếc nuối, vẫn còn nhiều việc muốn làm lắm. Bà Hòa kể, quê bà ở huyện Kim Sơn. Khi chào đời, bà vẫn là một đứa trẻ khỏe mạnh, cho đến năm lên 7 tuổi, sau một trận sốt, bà trở thành người khuyết tật với một chân bị teo dần, rồi liệt hẳn. "Không còn được chơi khăng, chơi đáo với bạn bè. Cũng không thể giúp bố mẹ bế em hay băm bèo, nấu cám… chuỗi thời gian ấy thực sự là cú sốc lớn đối với một đứa bé như tôi"- bà Hòa xúc động nhớ lại.
Nhưng những ngày chán nản ấy qua mau, bà Hòa nén nỗi đau, làm quen với chiếc nạng gỗ và lại vững bước tới trường. Học hết lớp 10, Hòa trăn trở làm gì để tự nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng cho gia đình? Và rồi Hòa quyết định đi học nghề may, sau đó vào làm ở Công ty may 27/7.
Nghị lực của cô gái trẻ đã chinh phục trái tim của chàng trai quê Yên Khánh. Hai người nên duyên và lần lượt sinh được 3 người con, hai gái, một trai. Năm 2000, bà Hòa nghỉ hưu. Những tưởng bà sẽ an nhàn sau nhiều năm vất vả mưu sinh, nhưng với bà, đó lại mới là thời điểm bắt đầu để thực hiện những dự định mà bà ấp ủ, đó là mở một xưởng dạy may cho những người khuyết tật.
Lớp dạy nghề đặc biệt của bà đã thu hút được sự hưởng ứng, ủng hộ của địa phương và của chính những người khuyết tật ở những vùng xa hơn như Kim Sơn, Yên Mô. Có thời điểm, lớp dạy nghề của bà có tới 30 học viên là người khuyết tật. Sau khi biết nghề, học viên có nhu cầu đều được bà Hòa bố trí việc làm với mức thu nhập ổn định. Không chỉ nhận đơn hàng may công nghiệp, bà Hòa và học trò còn cắt may thời trang. "
Thời ấy, chưa xuất hiện nhiều đồ may sẵn như bây giờ nên khách hàng tìm đến tiệm may rất đông. Đến nay, xưởng may của bà Hòa vẫn duy trì hơn 20 máy với 20 lao động thường xuyên, trong đó phần lớn là người khuyết tật. Mặc dù có rất nhiều đơn hàng may công nghiệp, nhưng tôi không làm xuể nữa. Vì bây giờ, tôi còn phải dành thời gian chăm sóc, vui chơi với 6 đứa cháu nội, ngoại."- bà Hòa hạnh phúc chia sẻ. Những người tìm đến xưởng may của bà Hòa xin học việc, xin làm nghề thì nhiều lắm. Có lẽ, hơn cả việc tìm kiếm một nghề để mưu sinh, những người thợ còn tìm đến với bà là để tìm cho mình một nghị lực, một quyết tâm lớn trong cuộc sống từ người phụ nữ này.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội người Khuyết tật huyện Yên Khánh cho biết, hiện nay, toàn huyện có trên 2000 người khuyết tật, phần nhiều trong số này vẫn còn sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình. Nhằm lan tỏa những tấm gương giàu nghị lực như bà Nguyễn Thị Hòa, qua đó khuyến khích, giúp đỡ và tạo cơ hội để những người khuyết tật khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên trong học tập, học nghề và tạo việc làm để tự lực trong cuộc sống, cuối năm 2015, Hội Khuyết tật huyện Yên Khánh được thành lập.
Mỗi năm, Hội phát triển được từ 15-18 hội viên, nâng tổng số hội viên hiện nay lên trên 200 người. Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt, thực sự tạo động lực để hội viên vươn lên, Hội tích cực tạo mối quan hệ giữa các tổ chức Người khuyết tật trong nước nhằm chia sẻ, giao lưu học tập kinh nghiệm trong công tác hội. Phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước liên quan đến người khuyết tật và kỹ năng truyền thông cho người khuyết tật.
Hội cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu với các Chi hội khuyết tật khác trên địa bàn tỉnh, để các hội viên chia sẻ kinh nghiệm, những mô hình kinh tế hay, phù hợp với sức khỏe, đặc thù của người khuyết tật. Đặc biệt, để tạo cơ hội cho người khuyết tật vươn lên, Hội cũng rất quan tâm tới công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên. Theo đó, trên cơ sở đi thăm quan, học tập các mô hình đào tạo nghề hiệu quả từ các địa phương khác, trong năm qua, chi hội đã tổ chức được lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 30 hội viên. Sau khi đào tạo, học viên đều được bố trí việc làm hoặc tự tạo việc làm cho mình.
Nguyễn Hùng - Minh Quang