Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 7.375 ha lúa, giảm 77 ha so với vụ đông xuân năm 2015. Tuy tổng diện tích gieo cấy lúa giảm so với năm ngoái, song diện tích cấy lúa chất lượng cao tăng lên. Các giống lúa chất lượng cao như: LT2, Bắc thơm 7, QR1, Thơm RVT... được gieo cấy trên diện tích 5.172 ha, tăng gần 140 ha so với vụ năm ngoái. Ngoài ra, tỷ lệ gieo sạ lúa vụ đông xuân năm nay cũng đạt khá cao, gần 70% diện tích. Đến nay, toàn huyện đã cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa đông xuân, năng suất lúa ước đạt 67,7 tạ/ha, sản lượng đạt trên 49.900 tấn. Cụ thể, các giống lúa Tạp giao có năng suất ước đạt 71,7 tạ/ha, các giống lúa thuần ước đạt 67,3 tạ/ha.
Do diễn biến chung của thời tiết, vụ đông xuân năm nay ở Yên Khánh cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu vụ đã liên tiếp xảy ra nhiều đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại kéo dài.
Có những ngày, nhiệt độ xuống dưới 7 độ C - đây là mức nhiệt thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, đặc biệt biên độ nhiệt chênh lệch ngày đêm rất lớn, từ 7 - 10 độ C. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp giai đoạn đầu vụ.
Tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng do rét hại gây ra là 365 ha, trong đó, lúa gieo sạ bị khuyết mật độ từ 5 - 6% là 360 ha (chiếm 7% diện tích gieo sạ), lúa cấy thiệt hại 5 ha.
Thêm vào đó, do ảnh hưởng của mưa nhiều cuối vụ đông, đất ẩm ướt nên các đơn vị không thể tổ chức cày ải. Để khắc phục khó khăn đó, các HTX đã tổ chức tốt khâu làm đất, nhằm đảm bảo chất lượng đất, phục vụ sản xuất lúa kịp thời vụ.
Về công tác diệt chuột cũng đã được triển khai sát sao ngay từ đầu vụ. Toàn huyện đã được cấp phát 430 kg thuốc diệt chuột Cat 0,25WP để diệt chuột đồng loạt ở giai đoạn đổ nước, làm đất.
Đồng thời, các HTX chủ động diệt chuột bằng phương pháp thủ công, sử dụng bả vi sinh nên mức độ phá hại của chuột ở giai đoạn mạ và lúa cấy giảm nhiều so với các năm trước, đảm bảo an toàn cho sản xuất. Giữa vụ sản xuất, các loại sâu bệnh vẫn xảy ra nhưng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nhân dân đã kịp thời phòng trừ.
Tuy nhiên, cuối vụ sản xuất, rầy lứa 2 phát triển mạnh, tập trung tại một số xã phía Nam như: Khánh Trung, Khánh Hội, Khánh Hồng, Khánh Nhạc... Các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm 7, LT2... có tỷ lệ nhiễm nhiều hơn các giống khác.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng rầy nâu phát triển là do tình trạng bón quá nhiều đạm cho lúa. Theo ông Phạm Văn Bòn, xóm 7, xã Khánh Nhạc: Gia đình tôi trồng 4 sào lúa LT2.
Theo tôi để ý, vụ này, tôi bón nhiều đạm hơn vụ trước thì lại xuất hiện rầy nâu. Vì thế, rất có thể do lượng đạm quá dư thừa, rầy râu mới phát triển mạnh như vậy.
Theo đồng chí Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện, bón quá nhiều đạm vào thời kỳ lúa trỗ đòng cũng là một nguyên nhân. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng rầy nâu phát triển mạnh và lan rộng là do sự chủ quan của người dân.
Cuối vụ, rầy mới phát triển, do nghĩ chỉ còn khoảng một thời gian ngắn nữa sẽ thu hoạch lúa nên một số hộ không tổ chức phun phòng trừ. Tuy nhiên, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, việc phun trừ sâu bệnh, hạn chế rầy nâu gây hại, bảo vệ sản xuất.
Một vụ lúa đông xuân đã thắng lợi. Phấn khởi với kết quả đã đạt được, hiện nay nông dân huyện Yên Khánh tiếp tục bước vào vụ sản xuất mới. Công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa tại địa bàn huyện Yên Khánh đã được triển khai. Toàn bộ diện tích mạ vụ mùa đã được gieo xong nhằm phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 10-7.
Thái Học