Đứng chờ máy gặt đến thu hoạch khu ruộng nhà mình, bà Phạm Thị Khuyên, đội 2B (xã Khánh Nhạc, Yên Khánh) cho biết: Gia đình tôi có 1 mẫu lúa, 100% diện tích được gieo thẳng với các giống QR1, DQ11, LT2... Đến thời điểm này lúa đã chín và chỉ chờ máy gặt đến là đưa lúa về nhà. Vụ lúa đông xuân năm nay, năng suất ước đạt khoảng 200-230 kg/sào; nhưng chi phí đỡ tốn kém hơn, bởi do gieo thẳng; sâu bệnh ít (chỉ phải phun 1 đợt sâu cuốn lá nhỏ). Ông Chu Văn Bao (xóm 10, Khánh Hải) cho biết: Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông đã thu hoạch xong 1,4 mẫu lúa với năng suất ước đạt 220 kg/sào. Năm nay toàn bộ diện tích lúa của gia đình đều được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, nên chỉ sau vài giờ là đã hoàn tất với giá 120.000 đồng/sào. Thu hoạch bằng máy, không chỉ rẻ (nếu thuê thợ gặt thì từ 200-250 nghìn đồng/người/ngày mà cũng chỉ gặt được khoảng 1sào/người/ngày) lại còn nhanh, gọn, tập trung, đỡ bị hao hụt. Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy 7.320,2 ha lúa, giảm gần 55 ha so với vụ đông xuân năm 2016. Tuy tổng diện tích gieo cấy lúa giảm so với năm ngoái, song diện tích cấy lúa chất lượng cao tăng lên. Các giống lúa chất lượng cao như: LT2, Bắc thơm 7, QR1, Thơm RVT... được đưa vào gieo cấy nhiều. Ngoài ra, tỷ lệ lúa gieo thẳng trong vụ đông xuân năm nay cũng đạt khá cao, trên 80% diện tích.
Đến ngày 13/6, toàn huyện đã thu hoạch được 6.307,3 ha lúa đông xuân, đạt 86,2% với năng suất ước đạt tương đương với vụ trước. Các xã đã hoàn thành khâu sản xuất này là: Khánh Công, Khánh Thiện, Khánh Tiên, Khánh Hải, Khánh Phú. Các xã còn lại cũng đã thu hoạch đạt tỷ lệ từ 75-95% tổng diện tích lúa gieo cấy được. Nếu tính từ thời điểm xuống đồng thu hoạch rộ thì chưa đầy một tuần huyện Yên Khánh cơ bản thu hoạch xong lúa xuân.
Nguyên nhân là do khâu sản xuất này ở các địa phương hầu hết đều được thực hiện bằng máy. Ngoài các máy gặt đập có trên địa bàn của các địa phương (mỗi xã có từ 4-5 chiếc), còn số lượng không nhỏ máy của các địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh đưa về. Ước tính tỷ lệ thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp trong vụ này lên tới 80-90% diện tích.
Đồng chí Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cũng cho rằng: Do diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu nên vụ đông xuân năm nay ở Yên Khánh cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu vụ đã liên tiếp xảy ra những đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại; tuy nhiên đây lại là vụ đông xuân ấm nên ít nhiều có tác động đến quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa xuân.
Công tác diệt chuột cũng đã được triển khai sát sao ngay từ đầu vụ, nhưng lượng chuột hoạt động trên đồng ruộng vẫn còn nhiều. Sâu bệnh xuất hiện ít nhưng vẫn bị ảnh hưởng của đợt sâu cuốn lá nhỏ cuối vụ, song không nghiêm trọng do nhân dân đã kịp thời phòng trừ.
Việc tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa đông xuân tạo điều kiện cho nông dân trong huyện có đủ quỹ thời gian tiếp tục bước vào vụ mùa. Trước mắt, tập trung cao cho khâu làm đất theo phương châm "Gặt đến đâu, cày ngay đến đó", phấn đấu hoàn thành khâu gieo cấy trước ngày 20-7.
Đinh Chúc