Đến nay, Yên Khánh có 3 xã Khánh Thành, Khánh Thiện, Khánh Phú đạt 19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra Yên Khánh còn có 2 xã đạt 15-18 tiêu chí; 2 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 11 xã đạt 5-9 tiêu chí. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn huyện ước đạt trên 816 tỷ đồng; trong đó, nhân dân, doanh nghiệp đóng góp hỗ trợ gần 130 tỷ đồng.
Đồng chí Phạm Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, 100% số xã trong huyện Yên Khánh hoàn thành phê duyệt và công bố quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc lập đề án quy hoạch khu dân cư, huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, xây dựng vùng sản xuất nhằm nâng cao hệ số, hiệu quả sử dụng đất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng cường liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân. Nổi bật là mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao quy mô 500 ha tại các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Công, Khánh Thành; mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và xuất khẩu; mô hình cánh đồng mẫu lớn có quy mô 1.000 ha; mô hình gieo sạ với diện tích 2.600 ha; mô hình phát triển sản xuất nông sản sạch có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện còn quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, khu chăn nuôi công nghệ cao: gà siêu trứng, gà an toàn sinh học, cá lóc bông lau, ba ba... Phong trào đưa cơ giới vào sản xuất, nhất là khâu làm đất, thu hoạch giúp giảm sức lao động của nông dân, giảm chi phí lao động. Hiện nay, huyện có 117 máy thu hoạch gặt đập liên hợp, diện tích thu hoạch bằng máy đạt trên 42%. Sản xuất vụ đông được chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích cây có giá trị thu nhập cao. Toàn huyện hình thành 9 vùng sản xuất vụ đông hàng hóa như: Khoai tây, bí xanh, ngô ngọt, dưa, cà chua, trạch tả… với diện tích trên 4.000 ha, thu nhập bình quân đạt khoảng 30-40 triệu đồng/ha/vụ. Hình thành 4 vùng sản xuất rau với quy mô diện tích 250 ha, thu nhập bình quân đạt từ 45- 60 triệu đồng/ha/vụ.
Huyện xác định công tác dồn điền, đổi thửa là khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 2 xã Khánh Nhạc, Khánh Thành được huyện chọn làm điểm thực hiện dồn điền, đổi thửa. Năm 2012, xã Khánh Thành và Khánh Nhạc hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, được nhiều địa phương đến tham quan, học tập. Đến nay, toàn huyện đã có 12 xã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, bình quân giảm từ 4,7 thửa/hộ xuống còn 1,3-1,7 thửa/hộ…
Sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân tăng khá nhanh, từ 11,9 triệu đồng/người/năm năm 2011, đến năm 2013 đạt 22 triệu đồng/người/năm. Điển hình như xã Khánh Phú đạt 27,6 triệu đồng/người/năm, Khánh Thiện đạt 27,6 triệu đồng/người/năm, Khánh Thành đạt 25,4 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, hàng trăm hạng mục công trình phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân được khởi công và hoàn thiện. Trong 3 năm, các xã đã làm mới, nâng cấp 875 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 131 km; nạo nét 37 km kênh mương, trục tiêu chính; xây dựng gần 12 km kênh tưới kiên cố… Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tốt, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Hệ thống chính trị xã hội ngày càng được củng cố vững mạnh và an ninh trật tự được giữ vững.
Có thể nói, qua 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Khánh đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, các tổ chức đoàn thể thể hiện khá rõ nét trong việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, linh hoạt, đồng bộ nhất quán từ trên đến cơ sở tạo được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương đã thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển sản xuất, an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa- xã hội và môi trường theo quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để lựa chọn những công việc phù hợp với điều kiện và khả năng của nhân dân như: phát động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, làm vệ sinh môi trường, hiến đất, góp công, tạo sự đồng tình hưởng ứng tích cực của nhân dân. Đồng thời huy động tốt các nguồn lực của nhân dân và sự tham gia ủng hộ của các doanh nghiệp và con em quê hương đang công tác, sinh sống trong cả nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nên diện mạo cho quê hương.
Trong thời gian tới, huyện Yên Khánh tập trung chỉ đạo 3 xã Khánh Thành, Khánh Thiện, Khánh Phú đã được công nhận xã nông thôn mới năm 2013 tiếp tục duy trì và nâng cao tiêu chí, đảm bảo sự phát triển bền vững. Đồng , chỉ đạo các xã đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2015 toàn huyện có 9 xã đạt xã nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2018 huyện được công nhận là huyện nông thôn mới.
Thanh Chiên