Xã Khánh Nhạc - một trong những đơn vị dẫn đầu huyện Yên Khánh về phong trào sản xuất nông nghiệp. Một năm, ngoài 2 vụ lúa, xã còn gieo trồng hàng chục ha cây vụ đông các loại. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Từ năm 2015 đến nay, ở cả 2 vụ sản xuất (vụ đông xuân và vụ mùa) bà con trong xã đều áp dụng biện pháp gieo thẳng.
Điều này có được là do hệ thống thủy lợi đã được đầu tư nâng cấp, đảm bảo tưới tiêu chủ động. Với hệ thống kênh mương kiên cố và hàng loạt các máy bơm vô ống được lắp đặt, chỉ trong vòng 1 buổi sáng là có thể cấp nước đến toàn bộ diện tích 600 ha đất canh tác của xã. Còn nếu như trước đây việc này phải mất cả tuần.
Không chỉ thuận lợi trong canh tác cây lúa, hệ thống thủy lợi hoàn thiện còn giúp cho bà con nông dân xã Khánh Nhạc có điều kiện để thay đổi hình thức canh tác hoặc chuyển đổi sang canh tác loại cây trồng mới, ngay cả khi điều kiện thời tiết, khí hậu bất thuận.
Nhiều năm qua, trên vùng đất 2 lúa, nhiều nông dân Khánh Nhạc đã mạnh dạn đưa cây cà chua bi, dưa bao tử, khoai tây, rau cần… vào sản xuất cho thu nhập cao. Trước hiệu quả từ các công trình thủy lợi, người dân phấn khởi hơn trong lao động sản xuất.
Theo nông dân Nguyễn Văn Nhu, xóm 2, Khánh Nhạc: "Từ khi hệ thống thủy lợi được đầu tư, cải tạo, chúng tôi đã chủ động hơn trong canh tác lúa và hoa màu, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, năng suất lúa tăng đáng kể hàng năm từ 0,2 đến 0,5 tấn/ha".
Còn tại xã Khánh Thủy- địa phương được coi là rốn nước của huyện Yên Khánh, lâu nay sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do chưa có trạm bơm, toàn bộ việc tưới tiêu đều dựa vào thủy triều. Để khắc phục, cuối năm 2018 vừa qua, tỉnh, huyện đã đầu tư xây dựng ở đây 1 trạm bơm với 2 máy bơm công suất 2.400 m3/h/máy, tổng kinh phí 11 tỷ đồng và dự kiến cuối năm 2019 này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động đảm bảo yêu cầu tưới tiêu một cách chủ động và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển.
Ông Đỗ Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy cho biết: Được tỉnh, huyện đầu tư xây dựng trạm bơm, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã hết sức phấn khởi. Khi trạm bơm được đưa vào sử dụng, chúng tôi sẽ có 2 vụ lúa ăn chắc và có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất cây màu hàng hóa.
Sau nhiều năm đầu tư, đến nay, hệ thống thủy lợi chung của huyện Yên Khánh đã tương đối hoàn chỉnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 tuyến kênh mương dài 75 km, 71 cống dưới đê và 20 trạm bơm tưới tiêu công suất máy từ 1.000-4.000m3/h. Đến hết năm 2018, toàn huyện đã kiên cố hóa được 189 km kênh mương; xây dựng 8.058 cầu, cống; sửa chữa nâng cấp 2.888 cầu cống.
Hàng năm, thực hiện kế hoạch làm thủy lợi nội đồng, các địa phương đã tập trung nạo vét kênh mương, đắp bổ sung bờ vùng, bờ thửa, xây dựng, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nội đồng, giải tỏa, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh sông với khối lượng đào đắp trên 300.000 m3/năm. Nhờ các biện pháp thủy lợi và các biện pháp nông nghiệp khác, trong vòng 10 năm qua, giá trị, sản lượng các cây trồng chính trên địa bàn huyện đều tăng.
Các địa phương trong huyện có điều kiện thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết, phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng. Góp phần đưa Yên Khánh trở thành huyện đứng đầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Đến nay, toàn huyện có trên 250 mô hình sản xuất theo hướng tích tụ ruộng đất, xây dựng chuỗi giá trị. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt 134,9 triệu đồng. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 42,2 triệu đồng/người/năm.
Mặc dù hệ thống thủy lợi của Yên Khánh về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia về nông nghiệp, bước sang một nền nông nghiệp có trình độ cao, huyện vẫn cần tiếp tục được đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có.
Không chỉ dừng lại ở kiên cố hóa kênh mương mà trên một cánh đồng đa dạng hóa cây trồng, theo hình thức luân canh 2 - 3 vụ phải có đủ công trình thủy lợi như kênh hở, kênh chìm, trục cấp nước, mạng điện phục vụ trạm bơm tưới phun, tưới nhỏ giọt. Cần hướng tới phương thức cấp nước theo vòng tròn khép kín nhằm tiết kiệm nước, tiêu nước kịp thời khi mưa lớn, tưới đúng liều lượng, đủ theo yêu cầu…
Bài, ảnh: Hà Phương