Lúa trong nhà cũng như ngoài đồng
Sáng ngày 4/11, chúng tôi về Khánh Thủy, một trong các xã của huyện Yên Khánh đang chịu nhiều thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp. Trời mưa giăng giăng, không nặng hạt như những hôm trước nhưng ngoài đồng đã thấp thoáng người nhanh tay gặt nốt những diện tích lúa mùa muộn. Gặp ông Vũ Quốc Tuấn, bí thư chi bộ xóm 4 đang trên đường ra đồng, ông buồn rầu cho biết: gia đình tôi có 3 mẫu. Một số đã gặt đem về nhà, số còn lại ngoài đồng chưa gặt nhưng toàn bộ lúa (ở nhà hay ngoài đồng) đều ẩm mốc, bị "mộng", có lẽ chỉ làm thức ăn chăn nuôi mà thôi…
Cùng đi thăm những diện tích đậu tương đang ngập trong nước, đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy cho biết: Toàn xã có 480 ha lúa mùa thì có 200 ha mùa sớm được thu hoạch xong từ trước, đảm bảo chất lượng tốt. Chỉ còn 250 ha mùa muộn và mùa trung do ảnh hưởng từ đợt mưa dài ngày nên ngập nước, qua đánh giá ban đầu thiệt hại khoảng 50% giá trị và sản lượng. Hiện toàn xã chỉ còn khoảng hơn 50 ha chưa gặt. Tuy nhiên, cả số lúa đã gặt và chưa gặt đến thời điểm này đều hư hỏng, ẩm mốc, bị "mộng" do thời tiết mưa, gió không phơi sấy được. Người dân trong xã đang tận dụng tất cả các mặt bằng có thể, từ phòng khách, sân trước nhà, bếp nấu… đến nhà văn hóa, sân trụ sở UBND xã để phơi lúa. Mấy ngày qua, do tập trung nhân lực, vật lực để chống úng và thu hoạch lúa mùa nên ai nấy đều mệt mỏi. Chị Tạ Thị Hoa ở xóm 3 cho biết: Mấy ngày vất vả với cây đông và lúa mùa nên tôi bị cảm, ốm. Vậy mà chẳng dám nằm nghỉ vì cứ nghĩ đến bao công sức dành cho vụ mùa và vụ đông, nay có khả năng "mất trắng". Vậy nên, dù ốm mệt nhưng chị Hoa vẫn gắng gượng, không ra đồng được thì ở nhà ngồi cào và dọn các đống lúa ướt đang "giăng" khắp phòng khách, các gian nhà… Nhiều hộ gia đình đang mong chờ từng giờ thời tiết ấm nắng lên để phơi lúa.
Nông dân Yên Khánh tranh thủ gặt nốt lúa ngập trong nước. Ảnh: Phan Hiếu
Nỗ lực "cứu" lúa và cây vụ đông
Chia sẻ với khó khăn của bà con nông dân trong huyện, các kỹ sư nông nghiệp thuộc phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh cho biết: với lượng mưa trên 200 mm, tính từ năm 1960 đến nay mới có trận mưa thứ hai dữ dội và dai dẳng như vậy. Qua mấy năm triển khai làm vụ đông với đa dạng các loại cây trồng, người nông dân Yên Khánh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm: dù chưa bị ngập trắng nhưng diện tích trồng bí xanh, dưa, khoai tây sẽ có nguy cơ thiệt hại cao hơn do sức chống chịu của các loại cây này tương đối kém… Trao đổi với đồng chí Trương Đức Lộc, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh, chúng tôi được biết: Mấy ngày qua, Huyện ủy, UBND huyện đã quan tâm sát sao và chỉ đạo quyết liệt các xã, thị trấn trong huyện đẩy mạnh hoạt động tiêu nước chống úng để cứu những diện tích cây vụ đông mới trồng cùng với việc động viên người nông dân khẩn trương xuống đồng thu hoạch nốt diện tích lúa mùa còn lại. Ngay từ ngày mưa đầu tiên, huyện đã kịp thời tổ chức họp, yêu cầu các đồng chí trong BCH Đảng bộ huyện, trưởng các phòng, ban của huyện phụ trách xã xuống cơ sở nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo công tác chống úng tại các xã, thị trấn. Huy động hơn 560 máy bơm của các HTX cùng với tất cả máy bơm của của đội KTCTTL huyện tiến hành bơm tiêu úng suốt đêm, ngày, lượng nước rút rất nhanh. Nhưng do lượng mưa nhiều, liên tục nên nước rút đến đâu, sau một đêm lại trở về vị trí cũ. Nhiều gia đình và người dân chán nản vì tiền dầu, tiền điện sử dụng để bơm nước hàng ngày tốn kém mà kết quả không cao. Sau mấy ngày "chống chọi" với mưa, Huyện ủy, UBND huyện đã rút kinh nghiệm, chỉ đạo tập trung bơm "khoanh vùng" đối với những vùng có khả năng cây vụ đông còn có thể sinh trưởng trước rồi mới chuyển sang các vùng sản xuất khác. Cách làm này tỏ rõ ưu thế, hiệu quả, đặc biệt là đến ngày 4/11, mưa nhẹ hạt và giảm dần. Ngày 2/11, toàn huyện có 300 ha lúa mùa chưa gặt và 4.347 ha cây đông bị ngập, chiếm 88,2% diện tích gieo trồng, trong đó có 3.530 ha bị ngập trắng. Đến cuối ngày 3/11, chỉ còn 200 ha lúa mùa chưa gặt và 3.360 ha cây đông, chiếm trên 74% diện tích bị ngập, trong đó còn 2.100 ha cây đông bị ngập trắng. Bên cạnh đó, UBND huyện kịp thời ra các văn bản hướng dẫn bà con nông dân cách thức phòng, chống úng lụt, chăm sóc, trồng lại những diện tích cây vụ đông có khả năng tiếp tục sinh trưởng. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chuẩn bị sẵn sàng việc hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc cây đông khi nước rút.…
Phan Hiếu