Đến nay, giá trị công nghiệp, TTCN toàn huyện đạt 301,8 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10 lần so với khi mới tái lập huyện. Đồng nghĩa với con số "ấn tượng" về giá trị sản xuất là sự xuất hiện và phát triển của các ngành nghề mới với quy mô doanh nghiệp, tổ hợp như: chế biến cói, nứa chắp, bèo bồng xuất khẩu, thức ăn gia súc, đóng tàu, các mô hình trồng nấm… Điều đó thể hiện sự "vươn dậy" mạnh mẽ của các làng nghề truyền thống.
"Vươn dậy" các làng nghề
"Chiếu Bồng Hải, vải Yên Ninh
Thúng La Bình, gạch Phúc Nhạc"
Câu ca trên như là lời khẳng định về thế mạnh trong phát triển kinh tế của người dân Yên Khánh xưa với những ngành nghề "cha truyền, con nối". Là huyện thuần nông nên tranh thủ lúc nông nhàn, các nghề truyền thống như: dệt chiếu, thêu ren, đan thúng, rổ, rá, sản xuất gạch đất nung, chế biến bún, bánh… được người dân duy trì ở hầu khắp các xã, thị trấn trong huyện, thu hút đông đảo lao động làm nghề.
Các nghề truyền thống của Yên Khánh ít "kén" người làm, lại có thể làm quanh năm, nhất là vào lúc mùa màng rảnh rỗi nên phù hợp với lao động vùng nông thôn. Dường như "tiếng lành đồn xa" về sự khéo léo của đôi bàn tay người làm nghề, sự tinh xảo trên các sản phẩm… nên đã thu hút khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến. Từ ngày tái lập huyện đến nay, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các làng nghề và ngành nghề truyền thống phát triển khá mạnh. Không để các làng nghề hoạt động mang tính chất "tự phát" mãi, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ hợp, các địa phương, đoàn thể tổ chức dạy nghề, đào tạo nâng cao tay nghề để người lao động "bắt kịp" với yêu cầu đòi hỏi của thị trường.
Hoạt động tín chấp vay vốn, mặt bằng, cơ chế, chính sách được quan tâm đầu tư đúng mức, mọi người đều có điều kiện tham gia làm nghề và duy trì nghề. Do đó, ngành nghề truyền thống có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường. Trong 2 năm 2007 và 2008, toàn huyện có 5 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề đan cói xuất khẩu ở thôn Bình Hòa (xã Khánh Hòa), nghề se cói ở xóm 10 (xã Khánh Nhạc), xóm 8 (Khánh Mậu), chế biến lương thực thực phẩm ở xã Khánh Ninh và mây, tre đan ở xã Khánh Vân.
Đây thực sự là động lực thúc đẩy và tạo sức bật cho các làng nghề truyền thống phát triển, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN của huyện, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Tiêu biểu như làng nghề truyền thống mây, tre đan ở thôn La Bình, Đông Thịnh (xã Khánh Vân) đến nay thu hút 1/2 dân số trong xã tham gia làm nghề với thu nhập từ 30 - 40 nghìn đồng/người/ngày. Nhiều gia đình trong thôn có từ 3-5 lao động tham gia làm nghề nên thu nhập hàng tháng của mỗi gia đình khá cao. Trung bình hàng năm giá trị thu nhập từ nghề truyền thống ở Khánh Vân đạt khoảng 4 tỷ đồng trong tổng giá trị thu nhập từ các ngành nghề của xã là 6 tỷ đồng.
Nghề mới "bắt nhịp" cùng nghề truyền thống
Qua câu chuyện trao đổi với các đồng chí cán bộ phòng Công thương huyện, nhất là những đồng chí có "thâm niên" trong công tác, được biết tốc độ tăng trưởng của các ngành nghề mới trên địa bàn huyện hiện nay tương đối mạnh và "bắt nhịp" cùng với sự phát triển của các ngành nghề truyền thống. Đến nay, toàn huyện có 79 doanh nghiệp sản xuất, 4 HTX ngành nghề hoạt động trên địa bàn với các nghề: đóng tàu, chế biến thức ăn gia súc, đan bèo bồng, nứa chắp xuất khẩu... Trong quá trình hoạt động, một số doanh nghiệp, tổ hợp đã "bắt tay" với địa phương triển khai phát triển nghề truyền thống ở quy mô lớn hơn, hiện đại hơn, thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương hơn thông qua việc ký kết được các hợp đồng giá trị kinh tế cao để đưa các sản phẩm của địa phương vươn xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như Doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu Thành Hóa (xã Khánh Nhạc), Doanh nghiệp Ba Lan (Khánh Hồng), Doanh nghiệp Nga Thanh (Khánh Mậu), Trung tâm sản xuất giống và chế biến nấm Hương Nam… với các mặt hàng như: cói, bèo bồng, nứa chắp xuất khẩu, nấm các loại… Các ngành nghề mới qua thời gian gắn bó với người dân địa phương tương đối phù hợp với nhu cầu, khả năng của điều kiện tự nhiên và nguồn nhân lực, mở ra hướng giảm nghèo, làm giàu cho người nông dân.
Như nghề trồng và chế biến nấm. Chỉ tính riêng năm 2008, toàn huyện có 210 hộ và 3 đơn vị tập thể sản xuất nấm, đã sử dụng 2.958 tấn nguyên liệu, tăng 241 tấn so với năm 2007, sản lượng nấm tươi đạt 1.396 tấn, tăng 146 tấn so với năm 2007, giá trị sản xuất đạt 10.243 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng nấm tươi đạt 827 tấn, tăng 213 tấn so với cùng kỳ, giá trị sản xuất đạt 7.290 triệu đồng, tăng 2.775 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2008…
Từ các loại nấm ban đầu như: nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ, nấm rơm, nấm linh chi… đã được các hộ gia đình, tổ hợp trên địa bàn đưa vào trồng và chế biến đạt hiệu quả cao. Được sự quan tâm của huyện về kinh phí hỗ trợ xây dựng lán trại, điểm thu mua, chế biến, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật… các loại nấm đã và đang trở thành cây trồng và sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN của huyện trong những năm tiếp theo.
Phan Hiếu