Theo tổng hợp từ UBND huyện Yên Khánh, đến ngày 13/5/2019, toàn huyện có 16/19 xã đã công bố dịch tả lợn châu Phi, số lợn phải tiêu hủy là 2.463 con với tổng trọng lượng là 151 tấn, của 108 hộ chăn nuôi. Đến nay, đã có 18/19 xã, thị trấn có dịch, chỉ riêng xã Khánh Hồng chưa có hiện tượng lợn ốm chết. Số lợn phải tiêu hủy tăng lên đáng kể, cụ thể, tính đến ngày 20/5/2019, huyện Yên Khánh đã phải tiêu hủy hơn 3.600 con lợn với tổng trọng lượng là 240 tấn, số hộ có dịch tăng lên 329 hộ.
Như vậy chỉ sau 7 ngày (từ 13-20/5), số lợn mắc dịch tả lợn châu Phi đã tăng gấp 1,5 lần. Các địa phương có số lợn phải tiêu hủy lớn nhất là Khánh Cường với 49 tấn, Khánh Thành 42 tấn, Khánh Tiên 34 tấn... Điều đáng lo ngại là dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng, ở hầu hết các thôn xóm với tỷ lệ cao. Điển hình tại xã Khánh Thành, dịch bệnh xuất hiện ở 22 thôn, Khánh Trung 20 thôn, Khánh Công là 19 thôn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa phương có số lợn phải tiêu hủy nhiều nhất huyện Yên Khánh là xã Khánh Cường chỉ có 4 thôn có dịch, tuy nhiên đây lại là 4 thôn có phong trào chăn nuôi phát triển, chuồng trại được xây dựng tập trung với tổng đàn lợn lớn.
Theo thống kê, rà soát của các xã, thị trấn tại thời điểm tháng 3/2019, trên địa bàn huyện Yên Khánh có tổng đàn lợn trên 75.000 con, trong đó 12.200 lợn nái, 141 lợn đực giống, gần 63.000 lợn thịt và 13.250 lợn con theo mẹ. Trên địa bàn có 83 trang trại chăn nuôi quy mô trên 100 con.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng trạm Chăn nuôi và thú y huyện Yên Khánh: Trong vòng 1 tuần nay, mỗi ngày tôi nhận được 9-10 cuộc gọi từ các xã trong địa bàn của huyện thông báo về tình trạng lợn ốm, chết tại các hộ dân. Các cán bộ của Trạm đã trực tiếp xuống địa bàn hộ chăn nuôi, phối hợp với chính quyền sở tại để khám nghiệm, lập biên bản và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, xác định nguyên nhân lợn chết có phải do dịch tả lợn châu Phi hay không.
Vì số lượng cán bộ của Trạm mỏng nên chúng tôi phải đi từ sáng sớm cho đến tận tối khuya mới đáp ứng được yêu cầu công việc trong lúc "nước sôi lửa bỏng" như hiện nay. Cũng theo ông Toàn, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại các trang trại chăn nuôi lớn của huyện Yên Khánh.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, các cấp chính quyền của huyện Yên Khánh và ngành chức năng đã và đang tập trung khoanh vùng, kiềm chế dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra. Theo lãnh đạo UBND huyện Yên Khánh, ngay từ tháng 3/2019, tức là trước khi xuất hiện dịch, huyện Yên Khánh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, đồng thời có công điện chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Thành lập các đoàn kiểm tra, tổ kiểm tra để chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch tại các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, giám sát vận chuyển gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn. Các xã, thị trấn cũng đã thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn, đặc biệt là các xã có bến đò ngang giáp ranh với tỉnh Nam Định.
Đến khi dịch bệnh xuất hiện, các điểm chốt này tiếp tục được duy trì, với 33 chốt đường bộ tại các xã. Ngoài ra, huyện Yên Khánh cũng chủ động trong công tác tiêu độc khử trùng với việc cấp phát hơn 150 tấn vôi bột cho các địa phương, tiếp nhận và phân bổ 5.000 lít hóa chất của tỉnh để phòng chống dịch.
Ngoài các nguồn hỗ trợ từ tỉnh, từ huyện, các xã, thị trấn đã chủ động trích kinh phí để mua vôi bổ sung từ 3-5 tấn, huy động vật tư, phương tiện vận chuyển và máy xúc để chủ động trong công tác tiêu hủy lợn mắc dịch.
Một trong những vấn đề mà huyện Yên Khánh đang đặc biệt quan tâm là công tác tiêu hủy lợn dịch. Hầu hết các địa phương trong huyện đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật tiêu hủy lợn dịch, song vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn có thể phát sinh.
Do đó, huyện Yên Khánh mong các sở, ngành của tỉnh tăng cường phối hợp, hỗ trợ tìm ra giải pháp để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm chôn lấp, tiêu hủy lợn dịch, đảm bảo môi trường sống an toàn cho nhân dân địa phương.
Thái Học