Trường THPT Yên Khánh C tiền thân là Trường THPT dân lập Yên Khánh là một trong những đơn vị có số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với thời gian dài và số tiền lớn. Tính đến hết tháng 9/2017, số nợ BHXH, BHYT, BHTN của Trường kéo dài 41 tháng với số tiền nợ là 389 triệu đồng, trong đó riêng nợ BHXH là 286 triệu đồng, cho 8 lao động công tác tại trường. Nhiều lần, cơ quan BHXH huyện Yên Khánh đã làm việc và yêu cầu đơn vị này ký cam kết chi trả số tiền BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của Luật BHXH, song đến nay, việc thực hiện cam kết vẫn không thực hiện được.
Theo ông Phạm Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh C, có rất nhiều lý do khiến đơn vị chưa thể hoàn thành việc chi trả số tiền nợ đọng. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là việc khó khăn trong tuyển sinh học sinh để có nguồn học phí duy trì các hoạt động dạy và học tại Trường. Ban đầu, Trường THPT Yên Khánh C đi vào hoạt động với quy mô 16 lớp học, nhưng sau mỗi năm nhà trường gặp khó khăn trong tuyển sinh, dẫn đến vài năm học gần đây chỉ tuyển sinh được 1 lớp trên khối. Hiện toàn trường chỉ có 107 học sinh với 3 lớp 10, 11, 12, dẫn đến nhiều lớp học phải bỏ không, gây lãng phí về đầu tư cơ sở vật chất. Trong khi nhà trường hoạt động theo mô hình tự thu, tự chi, kinh phí đầu tư và duy trì các hoạt động của nhà trường lớn, số học sinh ít dẫn đến tình trạng trường hoạt động không hiệu quả, số nợ BHXH, BHYT, BHTN theo đó tăng dần lên theo hàng năm, khó thanh toán.
Bà Trần Thị Hồng Yến, Phó Giám đốc BHXH huyện Yên Khánh cho biết: Hiện tình trạng nợ đọng BHXH trên địa bàn huyện Yên Khánh có chiều hướng gia tăng, nhất là ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tính đến hết tháng 9/2017, số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Khánh là trên 9 tỷ đồng, tỷ lệ nợ là 15% so với tổng số phải thu. Trong đó có trên 30 doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên. Nhiều doanh nghiệp nợ đọng với số tiền lớn, thời gian kéo dài như: Công ty TNHH may xuất khẩu Hoàng Thắng (KCN Khánh Phú) nợ 22 tháng, số tiền nợ hơn 300 triệu đồng; Doanh nghiệp xây dựng Thắng Lợi nợ 69 tháng, với số tiền nợ BHXH hơn 261 triệu đồng; Công ty TNHH thương mại và xây dựng Minh Vũ, xã Khánh Nhạc, nợ 57 tháng, số tiền hơn 176 triệu đồng… Việc nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hàng nghìn người lao động vì họ không được thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản; không được chốt sổ BHXH để chuyển nơi công tác khi có nhu cầu.
Cũng theo bà Phó Giám đốc BHXH huyện Yên Khánh Trần Thị Hồng Yến, nguyên nhân chính của tình trạng nợ đọng BHXH ngày càng cao và tỷ lệ tham gia BHXH cho người lao động còn thấp là do tính tuân thủ pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động chưa cao, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi BHXH đối với người lao động mà biểu hiện là tình trạng trốn đóng BHXH, đăng ký số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH thấp hơn so với tiền lương tập thể. Cùng với đó, chế tài xử lý vi phạm còn có những hạn chế, bất cập, chưa đủ mạnh để răn đe. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Yên Khánh đa phần là các doanh nghiệp may, nhiều chủ doanh nghiệp không phải người trên địa bàn huyện mà ở nơi khác đến, khi gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có nguồn kinh phí trả lương và đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thì chủ sử dụng rút khỏi địa bàn nên cơ quan chức năng rất khó liên lạc để làm việc. Thêm vào đó, còn nhiều lao động chưa có ý thức tham gia BHXH, BHTN muốn nhận tiền đóng vào lương để tăng thu nhập hàng tháng nên thỏa thuận, đồng ý với chủ sử dụng lao động không đóng BHXH, BHTN hoặc đóng với mức thấp so với hợp đồng lao động đã ký…
Trước tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH huyện Yên Khánh đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt như: Phối hợp với Đài Truyền thanh huyện, Đài truyền thanh xã, thị trấn tuyên truyền và thông báo danh tính các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài. Yêu cầu cán bộ thu bảo hiểm phải bám sát đơn vị, định kỳ thông báo tới những đơn vị nợ yêu cầu thời gian phải trả nợ. Nếu đơn vị khi nhận được thông báo vẫn không nộp tiền nợ đọng, cơ quan bảo hiểm sẽ đến trực tiếp đơn vị yêu cầu làm cam kết trả nợ. Đối với các doanh nghiệp chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHXH huyện Yên Khánh đã làm thủ tục khởi kiện để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đồng thời phối hợp với Phòng LĐ,TB&XH huyện hàng năm tham mưu với UBND huyện ra Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành Luật BHXH, BHYT kiểm tra đơn vị nợ đọng, trốn đóng trên địa bàn huyện. Năm 2015, UBND huyện Yên Khánh đã kiểm tra 10 đơn vị, năm 2016 kiểm tra 8 doanh nghiệp, 8 tháng đầu năm 2017 kiểm tra được 7 đơn vị… Sau kiểm tra cho thấy, các đơn vị đã nhận thức được quyền và nghĩa vụ tham gia BHXH; đã có 2 đơn vị nộp hết số tiền nợ đọng với hàng trăm triệu đồng.
Thời gian tới, BHXH huyện Yên Khánh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tham mưu và thực hiện thanh, kiểm tra ráo riết, chặt chẽ hơn các đơn vị nợ đọng với số tiền lớn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của cơ quan, doanh nghiệp… Đồng thời kiến nghị các cơ quan cấp trên bổ sung nội dung xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Hơn nữa, các văn bản quy phạm pháp luật cần nâng cao chế tài xử phạt, đủ mạnh đối với các đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, trong đó đề nghị Quốc hội sớm thông qua Bộ Luật Hình sự sửa đổi và ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện, tạo điều kiện để các cơ quan chức năng sớm có căn cứ thực hiện…
Bài, ảnh: Hạnh Chi