Trên sân khấu nhà văn hóa thôn 7, xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh), các diễn viên, nhạc công CLB chèo thôn 7 tối nào cũng say mê luyện tập. Khi kép chính cất lời, dàn nhạc cụ truyền thống trống, líu, mõ, thanh la, đàn tam… cùng hòa quyện. Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền, Chủ nhiệm CLB chèo thôn 7 cho biết: Nghệ thuật chèo được duy trì tại thôn 7 đã hơn 20 năm qua. Đây là CLB chèo đầu tiên trong xã được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả. Ban đầu, CLB chỉ có 8 thành viên, gồm cả diễn viên, nhạc công, sáng tác, đều là những người nông dân ngày cày cấy, tối lên sân khấu với tất cả nhiệt huyết và niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Đến nay, CLB duy trì 20 thành viên, độ tuổi từ 23 đến gần 70 tuổi.
Để nâng cao trình độ cho các thành viên trong CLB, những kép chính tiêu biểu thường xuyên tham gia giao lưu, học hỏi và biểu diễn tại nhiều sân khấu chèo, như các hội diễn văn nghệ quần chúng cấp xã, cấp cụm, các hội thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. CLB nhiều năm qua là nhân tố chèo của xã Khánh Trung. Riêng cá nhân Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền (nghệ danh Bích Điền), Chủ nhiệm CLB chèo thôn 7 đã đạt 8 huy chương vàng cấp tỉnh và 3 huy chương vàng toàn quốc tại các hội thi nghệ thuật trình diễn dân gian hát chèo.
Tại xã Khánh Trung, nghệ thuật hát chèo phát triển từ năm 1945 với 2 CLB chèo làng Quyết Trung và làng Kiến Thái, mỗi CLB có 20 thành viên, thường xuyên biểu diễn phục vụ các dịp lễ, Tết. Đến năm 2005, xã có 21/21 thôn thành lập CLB hát chèo, hoạt động hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân.
Các CLB chèo còn lưu giữ được nhiều điệu chèo cổ như: Đường trường thu không, Chức cẩm hồi văn, Sa lệch chênh, Tò vò, Hề mồi, Quân tử vu dịch, Lới lơ… Những làn điệu chèo cổ đã góp phần tôn vinh, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian.
Từ năm 1998-2015, xã Khánh Trung đã đạt huy chương bạc, huy chương vàng tại các Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, CLB chèo xã tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện đạt nhiều giải A, B và đạt giải B cấp tỉnh tại Hội thi văn nghệ - thể thao các xã nông thôn mới tỉnh Ninh Bình lần I, năm 2019.
Đồng chí Phạm Đức Hữu, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết: Hiện 21/21 thôn trong xã có CLB chèo và CLB văn nghệ phục vụ quần chúng. Xã luôn quan tâm, tạo điều kiện nhằm lưu giữ nghệ thuật hát chèo của địa phương thông qua các chương trình giao lưu văn nghệ tại các khu dân cư và giao lưu văn nghệ trên địa bàn toàn xã nhân các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, việc bảo tồn hát chèo được xã lồng ghép vào dự án sân khấu học đường từ năm 2013 tại trường THCS Khánh Trung, do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Ninh Bình truyền dạy. Từ dự án này, phong trào văn hóa, văn nghệ trong nhà trường được đẩy mạnh, học sinh thấy được nét đẹp của nghệ thuật chèo truyền thống, nhận thức được trách nhiệm chung tay giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Đồng chí Bùi Quang Bưởng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Khánh cho biết: Hiện nay, Yên Khánh đang xây dựng nghị quyết về việc bảo tồn nghệ thuật hát chèo. Những năm qua, phong trào hát chèo trên địa bàn huyện phát triển mạnh, với 268 thôn, xóm, phố có CLB hát chèo, trong đó có 71 CLB hát chèo thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ và có 4 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú. Những nghệ nhân này đã và đang là hạt nhân của huyện tích cực đào tạo, truyền dạy cho thế hệ trẻ theo học các lớp năng khiếu nghệ thuật hát chèo, phục dựng, truyền dạy các vở chèo cổ, tạo nguồn phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ cho địa phương.
Huyện Yên Khánh đã có sự đầu tư thỏa đáng cho nghệ thuật chèo. Từ thành công dự án sân khấu học đường tại trường THCS Khánh Trung năm 2013, đến nay, huyện nhân rộng thêm trường THCS Khánh Hòa, tiếp tục đầu tư cho các lớp năng khiếu về sân khấu học đường tại các trường THCS trong toàn huyện, tạo nguồn cho phong trào hát chèo trên địa bàn huyện phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, thực hiện tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, huyện Yên Khánh đảm bảo đạt tất cả các tiêu chí, trong đó tiêu chí văn hóa-văn nghệ, TDTT đạt tỷ lệ từ 60% trở lên người dân hưởng ứng và thường xuyên tham gia, trong đó chú trọng bảo lưu, phát triển hát chèo là đặc trưng của huyện.
Đồng thời, huyện cũng dự kiến đưa văn nghệ, văn hóa thôn xóm tại các nhà văn hóa gắn kết với du lịch, để nghệ thuật này có chỗ đứng và phát triển bền vững. Hình thành các tour du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, đưa khách đến tham quan, dự nghe, thưởng thức hát chèo, đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện thành công Năm Du lịch Quốc gia do tỉnh Ninh Bình đăng cai tổ chức năm 2021.
Bài, ảnh: Hồng Vân - Minh Quang