Cơ hội để tiếp tục đưa chính pháp của Đức Phật vào đời sống xã hội
Hòa thượng Sangasumana, giảng viên cao cấp Trường Đại học Jayewardenepura, Srilanca.
Đại lễ Vesak 2014 tại Việt Nam là cơ hội cho Phật tử thế giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các thành viên của cộng đồng quốc tế đạt được các lợi lạc từ các giá trị truyền thống và lý tưởng tâm linh Phật giáo. Tôi nghĩ rằng Đại lễ là cơ hội tốt để chúng ta cùng nhau nhìn nhận và đánh giá lại những cố gắng của cộng đồng thế giới có niềm tin vào triết lý của Đức Phật trong việc xây dựng và phát triển xã hội trong hòa bình, hữu nghị. Qua Đại lễ này chúng ta cùng nhau tạo nên những nhân duyên mới để thắt chặt thêm sự đoàn kết, gắn bó hữu nghị, cùng nhau kiến tạo xã hội tốt đẹp, một cõi Niết bàn trong hiện thực của thế giới hiện tại, góp phần ngăn chặn sự xung đột, hóa giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi nguy cơ nghèo đói, khó khăn trong đời sống xã hội, đưa con người tới cuộc sống an vui. (Hòa thượng Sangasumana, giảng viên cao cấp Trường Đại học Jayewardenepura, Srilanca)
Ninh Bình không chỉ là vùng đất đẹp mà con người nơi đây còn rất thân thiện, mến khách
Ông Gerhard Weissgrab, du khách đến từ Cộng hòa Áo.
Sau 21 năm trở lại Việt Nam, ấn tượng đầu tiên của tôi là cảnh sắc, con người Việt Nam đã có nhiều đổi thay, đặc biệt đời sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều cả về vật chất và tinh thần. Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc năm 2014 được tổ chức tại Việt Nam đã cho thấy việc Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo mang lại cho đời sống xã hội. Tham dự Đại lễ, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Ban tổ chức, các tình nguyện viên và người dân địa phương. Tôi cho rằng đây cũng là một trong những dấu ấn đặc biệt của Đại lễ Vesak 2014.
(Ông Gerhard Weissgrab, du khách đến từ Cộng hòa Áo)
Ấn tượng đẹp về du lịch cộng đồng tại Ninh Bình
Bà Đoàn Thị Hòa (ảnh trái).
Mặc dù đã nhiều lần đến với Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính nhưng lần này với không khí đa sắc màu của Đại lễ Vesak, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn sự linh thiêng, thành kính nơi đất Phật. Khác với những lần trước, lần này chúng tôi đã lựa chọn cách nghỉ lại tại các nhà dân ở khu vực xung quanh, qua đây chúng tôi cũng có thêm cơ hội tìm hiểu các phong tục, tập quán văn hóa, sinh hoạt của người dân địa phương. Chỗ ăn nghỉ khá tiện nghi và giá cả phục vụ phù hợp. Tôi cho rằng cách làm du lịch cộng đồng này rất hiệu quả.
(Du khách Đoàn Thị Hòa, tỉnh Hải Dương)
Phục vụ Đại lễ với tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm
Bùi Thị Vân Anh, sinh viên năm thứ 3, Đại học Nông nghiệp Hà Nội (áo đỏ trong ảnh).
Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia hoạt động tình nguyện tại một sự kiện lớn. Để có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, trước đó tôi và các thành viên của Đội tình nguyện thuộc Ban Hành đường V.I.P đã được tham dự các buổi tập huấn những kiến thức cơ bản của Phật giáo, trong đó có những nghi lễ thực hành, giao tiếp, những quy định của tình nguyện viên tại Đại lễ Vesak 2014. Vì vậy đến khi trực tiếp thực hiện các công việc, tôi và các bạn trong đội không gặp khó khăn và bỡ ngỡ. Với khối lượng công việc nhiều như hướng dẫn các đại biểu, phật tử, du khách về cách thức bố trí các phòng họp, hội thảo cũng như giúp họ hiểu thêm về văn hóa ẩm thực Phật giáo nhưng ai cũng rất vui và nhiệt tình tham gia. Hy vọng với tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm, chúng tôi đã đóng góp được một phần công sức vào sự thành công của Đại lễ Vesak 2014.
(Bùi Thị Vân Anh, sinh viên năm thứ 3, Đại học Nông nghiệp Hà Nội)
Thực hiện: Đinh Ngọc-Duy Hiền