Vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt nền tảng và xây dựng Kinh đô Hoa Lư, hình thành Nhà nước phong kiến tập quyền thống nhất đầu tiên ở nước ta từ năm 968. Sau đó Vua Lê Đại Hành (Tiền Lê) tiếp tục bảo vệ và xây dựng Nhà nước đó phát triển. Suốt 42 năm tồn tại và phát triển, kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đó là một mắt xích quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, một giai đoạn lịch sử hào hùng sáng mãi với tên tuổi 3 con người, 3 cuộc đời kiệt xuất.
Cuộc hội thảo khoa học do tỉnh tổ chức đã thu hút sự quan tâm của các Giáo sư, Tiến sỹ đầu ngành lịch sử cả nước như: Dương Trung Quốc, Đinh Xuân Lâm, Phạm Khanh, Vũ Ngọc Khánh… và các tác giả nghiên cứu lịch sử của tỉnh Ninh Bình. Hầu hết ý kiến đều cho rằng việc dựng tượng đài của Vua Lê Đại Hành và Thái hậu Dương Vân Nga là cần thiết và đi sâu bàn bạc về thân thế, sự nghiệp, phác họa hình dáng, tính cách của 2 nhân vật lịch sử này
Về Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), theo nghiên cứu của Phó Giáo sư sử học Nguyễn Ngọc Khánh (Viện nghiên cứu văn hóa), ông xuất thân từ nông dân, quê gốc ở Hà Nam. Với dũng khí và công trạng của mình, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, ông đã được Vua Đinh Tiên Hoàng phong làm Thập đạo tướng quân. Lê Hoàn không chỉ tài trí thao lược mà còn là người giàu khả năng thu phục lòng người. Minh chứng cho điều này chính là việc ông đã thu phục được lực lượng tinh thần đó là các nhà sư đang chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội. Về tổ chức nội trị, ông cũng là người đầu tiên vươn đến các làng, các huyện, các vùng miền, và là người đầu tiên có chủ trương đào sông, đắp đườngĐây còn là nơi phát nghiệp của 3 triều đại gắn liền với tên tuổi của 3 đời Vua: Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và vua Lý Thái Tổ. Tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010, tỉnh ta đã tổ chức hội thảo về thân thế, sự nghiệp và xây dựng tượng đài Vua Lê Đại Hành và Thái hậu Dương Vân Nga.
Về con người, lịch sử đều ghi chép ông có một phong cách rất riêng. Lời văn bia của người đời sau có mô tả hình dáng của ông, nhưng tiếc thay lại viết theo lối công thức "mày rồng như Tống đế, mắt phượng tựa Đường tông"… không cho chúng ta diện mạo cụ thể. Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Khánh cho biết: "Có lẽ sách Trung Quốc chép rõ ràng hơn. Theo Tống sử năm 990, Tống Cảo đi sứ sang nước ta, được gặp Lê Hoàn, về ghi rõ nhà vua là người mắt lé. Sử Tống còn nói thêm đó là một con người hùng dũng "vác cả núi, ngăn cả bể". Thế nhưng sử sách cũng cho biết Lê Hoàn là người dân dã hơn bất cứ vị vua nào trong lịch sử phong kiến nước ta. Tiếp sứ Tàu vẫn bỏm bẻm nhai trầu, cùng biểu diễn với đám vũ nữ ca công, cùng nhân dân xuống sông đánh cá… Có thể nói Lê Hoàn là một vị vua dũng mãnh về quân sự, sắc sảo về chính trị, độc đáo về phong cách, dân dã về bản chất. Lê Hoàn quả thực là một con người đặc sắc trong lịch sử nước ta.
Đối với Thái hậu Dương Vân Nga, thật khó mà hình dung ra con người và phong cách của bà. Hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử tại hội thảo đều cho rằng cái tên Dương Vân Nga mới được biết sau này, sử cũ không thấy chép. Tên Dương Vân Nga là do người thời nay đặt ra khi đưa bà vào sân khấu và cái tên đó xuất hiện cùng với nhà văn Tào Mạt. Tuy nhiên, về tên của Dương hậu, các nhà nghiên cứu lịch sử của tỉnh cho biết: Dương Vân Nga là tên do dân gian từ xưa gọi và có cơ sở để khẳng định Dương hậu tên thật là Dương Vân Nga. Có tài liệu nói bà tên Dương Thị Lập. Bà đã từng là vợ của Ngô Quyền, sinh được con trai là Ngô Nhật Khánh. Tiếp đó là vợ của Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn. Một người phụ nữ, ta không rõ tuổi tác thế nào mà "ba lần làm hoàng hậu", cũng thật hiếm có trong lịch sử. Dương hậu có lẽ phải là con người tài sắc vẹn toàn mới liên tục giữ được vị trí của mình trong cả ba triều vua. Trước hoàn cảnh lịch sử đất nước rối ren, thù trong giặc ngoài, để giữ yên bờ cõi và bảo toàn gia tộc, bà đã tôn Lê Hoàn lên làm vua. Như vậy cũng là mưu kế khôn ngoan, không những có lợi cho dòng họ Đinh, cho tình hình nội cung mà còn có lợi cho đất nước. Những người theo lễ giáo phong kiến sau này đã lên án hoặc chê trách bà, thậm chí còn hạ bệ bà, mà không hiểu hết hoàn cảnh lịch sử và cũng không thấy được cái bản lĩnh của bà. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Khanh thì quan điểm cơ bản để xác định một danh nhân văn hóa - lịch sử trước tiên phải thấy nhân vật đó đem lại lợi ích chung, vì sự phát triển, tiến bộ của dân tộc, đất nước chứ không vì lợi ích riêng của một triều đại, một dòng họ.
Tuy nhiên, ý kiến của Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam thì không tán thành việc dựng tượng của Thái hậu Dương Vân Nga vì nhiều lý do.
Việc dựng tượng của Vua Lê Đại Hành và thái hậu Dương Vân Nga vẫn còn nhiều tranh luận, song gần đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc dựng tượng Vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Thái hậu Dương Vân Nga tại Cố đô Hoa Lư thật có ý nghĩa quan trọng. Theo Giáo sư Đinh Xuân Lâm thì Vua Đinh Tiên Hoàng là người có công khai sáng, nên tượng của ông phải đặt ở trung tâm của thành phố Ninh Bình. Tượng đài Vua Lê Đại Hành dựng ở Cố đô Hoa Lư là thích hợp nhất. Các đại biểu đều tán thành ý kiến nên đặt tượng đài Vua Lê Đại Hành và Thái hậu Dương hậu tại khu vực ngã ba giao cắt giữa Quốc lộ 1A và đường vào Cố đô Hoa Lư (thuộc thị trấn Thiên Tôn). Địa thế nơi đây vừa thoáng, vừa hùng, du khách qua lại trên đường Bắc - Nam đều có dịp chiêm ngưỡng và có thể ghé thăm.
Về chất liệu dựng tượng, có ý kiến cho rằng nên đúc đồng vì chất liệu đồng mới thể hiện được thần thái, mang tính linh thiêng hơn cho tượng. Song phần lớn ý kiến đều nghiêng về chất liệu đá, vì Ninh Bình là quê hương nghề đá mỹ nghệ. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Khanh nói: "Xin cứ tạc tượng đài Thái hậu Dương Vân Nga - Vua Lê Đại Hành bằng đá thật đẹp, thật tinh, như một tác phẩm để đời của dân tộc ta và cũng là của quê hương Hoa Lư, Ninh Bình".
Vấn đề còn bàn luận nhiều nhất, chưa đi đến thống nhất đó là đặt tên tượng và nên đúc tượng Vua Lê - Dương hậu riêng hay chung. Nên lấy tên Lê Đại Hành hay Lê Hoàn; Dương Vân Nga hay Dương Hậu, song nhiều ý kiến nghiêng về quan điểm là lấy tên tượng như dân gian đã gọi là "Lê Đại Hành và Dương Vân Nga". Riêng đối với việc đúc tượng thì nhiều người còn băn khoăn không biết nên đặt tượng Thái hậu Dương Vân Nga ở vị trí như thế nào cho phù hợp. Ông Nguyễn Phúc Khôi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin nêu quan điểm: Trong lịch sử nước ta chưa có một câu chuyện lịch sử nào đẹp như câu chuyện của Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga. Hành động trao áo Long cổn cho Lê Hoàn không những chỉ tôn lên hình ảnh cao đẹp của Thái hậu Dương Vân Nga mà còn cho người xem hình dung ngay lịch sử lúc bấy giờ ở kinh đô Hoa Lư. Nếu dựng tượng chung thì đây có thể là một bức tượng đẹp, có ý nghĩa và đặc biệt nhất của Việt Nam.
Quy hoạch, xây dựng tượng đài Dương Vân Nga - Lê Đại Hành là một công trình văn hóa hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội. Vấn đề đặt ra là cần có sự phối hợp liên ngành, đa ngành để có thể xây dựng tượng đài có chất lượng cao, đúng với tầm vóc sự kiện lịch sử, khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010.
Nguyễn Thơm