5 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã là những người gần gũi nhân dân để kịp thời tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm, kiến nghị đã được các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đưa lên nghị trường để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm giải quyết. Điều này đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ cùng sự tâm huyết đi đến cùng vấn đề của đại biểu Quốc hội, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri.
Xứng đáng với niềm tin của cử tri
Quan tâm chuyển tải ý kiến của cử tri đến các cơ quan chức năng
Nhiệm kỳ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV (2016-2021) đang khép lại, nhưng với nhiều cử tri, nhân dân Ninh Bình thì ấn tượng về một nhiệm kỳ hoạt động đầy trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình khóa XIV thì vẫn còn đậm nét.
Cách đây hơn 2 năm, tại buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV, cử tri xã Yên Hưng đã phản ánh tình trạng cầu Chợ Chớp (cây cầu bắc qua sông Bến Đang, nối Yên Hòa, Yên Hưng) đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ảnh hưởng đến thông thương trên địa bàn. Ngay sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có ý kiến gửi đến ngành chức năng và được ngành chức năng kiểm tra thực tế, có phương án khắc phục. Cuối năm 2020, công trình cầu Chợ Chớp mới đã hoàn thành với chiều dài 70m, rộng 8m. Ông Lê Trọng Mười - một trong những hộ dân có nhà ở dưới chân cầu Chợ Chớp phấn khởi cho biết: Từ khi cầu Chợ Chớp mới hoàn thành và đưa vào sử dụng đã giảm đi những mối lo cho người dân về tai nạn giao thông mỗi khi đi ngang qua cây cầu. Đây thực sự là "cây cầu nối những bờ vui", bởi không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế-xã hội mà nó còn mang giá trị tinh thần hết sức to lớn, đó là những khó khăn của người dân đã được những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình - các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, chuyển tải đến các cơ quan hữu quan giải quyết. Người dân ai cũng phấn khởi, tin tưởng và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh. Họ đã làm tròn lời hứa với nhân dân.
Đây chỉ là một trong gần 500 kiến nghị mà Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV đã nhận được thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Theo thống kê, trong nhiệm kỳ khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại 200 điểm với trên 40.500 lượt cử tri tham dự, tiếp thu gần 500 ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương, của đất nước. Thông qua cuộc tiếp xúc, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã xem xét, chuyển tải 167 kiến nghị gửi đến các bộ, ngành có liên quan xem xét, giải quyết.
Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao, trước những vấn đề mà Đoàn tiếp thu từ các cuộc tiếp xúc cử tri, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia thảo luận tại hội trường, tham gia tranh luận, chất vấn các Bộ trưởng. Nhiều vấn đề bất cập như: thủ tục hành chính trong thực thi chính sách người có công; đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học; các dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng…, đã được các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tranh luận với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Công Thương... Và trên thực tế, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã được các Bộ trưởng nghiêm túc tiếp thu, giải quyết. Các ý kiến trả lời đều được đăng tải trên Báo Ninh Bình, Đài PT&TH tỉnh; đồng thời, trong các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn cũng đã thông báo trực tiếp tại các hội nghị để cử tri và nhân dân được biết.
Tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, cầu Chợ Chớp (Yên Mô) đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Ảnh: Đinh Ngọc
Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát
Một trong những hoạt động nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình khóa XIV đó là đã coi trọng và làm tốt công tác giám sát. Hằng năm, căn cứ Kế hoạch giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội và tình hình thực tế ở địa phương, Đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, khảo sát ngay từ đầu năm, trong đó tập trung giám sát, khảo sát những vấn đề trọng tâm, những bức xúc, được dư luận quan tâm. Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 12 cuộc giám sát chuyên đề và phối hợp tham gia 2 cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; phối hợp tham gia 5 cuộc giám sát do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội tỉnh còn tích cực tham gia hoạt động giám sát tối cao trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội và tại các phiên chất vấn do ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Nhìn chung, các cuộc giám sát được chuẩn bị kỹ về nội dung và nhận được sự phối hợp tích cực của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. Phương thức giám sát được thực hiện linh hoạt, kết hợp giữa giám sát, khảo sát trực tiếp tại cơ sở và giám sát qua báo cáo để đánh giá toàn diện và sát thực; chú trọng phát huy vai trò, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh. Nội dung giám sát được lựa chọn là những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm như: giám sát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng; giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của cử tri; giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến việc chuyển nhượng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khảo sát về thực hiện Luật Đầu tư công; khảo sát việc quản lý thuế; khảo sát về kiến trúc, quy hoạch...
Qua khảo sát, giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp 75 nhóm ý kiến, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc sửa đổi những bất cập trong chính sách, pháp luật; 40 ý kiến, kiến nghị về việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương. Nhiều kiến nghị, đề xuất của Đoàn đã được Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương tiếp thu giải quyết, góp phần xử lý, khắc phục những hạn chế trong thực thi pháp luật của các cơ quan, đơn vị; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với chú trọng khảo sát, giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh còn quan tâm theo dõi, đôn đốc kiến nghị sau giám sát, đi đến cùng những vấn đề mà cử tri quan tâm. Đoàn đã tiến hành rà soát, tổng hợp những kết luận, kiến nghị giám sát do cơ quan, đại biểu Quốc hội đề xuất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhưng không được cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện và báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội để có hướng giải quyết. Đối với những kiến nghị giám sát mà Đoàn gửi các cơ quan ở địa phương nhưng chưa được quan tâm, giải quyết triệt để, Đoàn có văn bản đôn đốc hoặc trực tiếp khảo sát, kiểm tra việc thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát.
Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và quan tâm chuyển tải những kiến nghị của cử tri đến với các cơ quan chức năng, đến nghị trường Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình khóa XIV đã khẳng định vai trò, vị thế của Đoàn, của từng đại biểu Quốc hội tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, xứng đáng với niềm tin của cử tri, nhân dân.