Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như: Camera và linh kiện điện thoại ước đạt trên 970 triệu USD; xi măng, clanke ước đạt trên 320 triệu USD, quần áo các loại ước đạt trên 290 triệu USD và giầy dép ước đạt trên 330 triệu USD...
Về thị trường, châu á dẫn đầu kim ngạch đạt 1.636 triệu USD, chiếm tỷ trọng 77,93%; tiếp đến là châu Mỹ đạt kim ngạch 324 triệu USD, chiếm tỷ trọng 15,44%; châu Âu kim ngạch đạt 110 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,25%; châu úc đạt kim ngạch 18 triệu USD, chiếm 0,88%; cuối cùng là châu Phi đạt 10,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,5%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt giá trị cao nhất, ước đạt gần 2,07 tỷ USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 145,5% kế hoạch.
Một số mặt hàng chủ lực của tỉnh đạt mức tăng trưởng cao, trong đó camera modun và linh kiện điện thoại, giày các loại là các sản phẩm có mức tăng trưởng xuất khẩu cao với kim ngạch lần lượt chiếm 46,2% và 16% tổng kim ngạch của cả tỉnh. Năm 2019, mặt hàng camera modun và linh kiện điện thoại của Công ty TNHH McNex (KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình) có sự gia tăng đột biến về xuất khẩu, giá trị ước đạt trên 970 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tại chỗ đạt gần 500 triệu USD).
Trong năm, tỉnh ta cũng xuất hiện một số sản phẩm xuất khẩu mới như linh kiện ô tô, dầu silicon, sản phẩm nhựa... Ngoài ra, trong năm 2019 có một số dự án mới đã đi vào sản xuất ổn định, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh như Công ty TNHH Vienergy (KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình), Công ty TNHH giày Regis (Cụm công nghiệp Văn Phong, huyện Nho Quan), Công ty TNHH Sejung Việt Nam (Cụm công nghiệp Cầu Yên, thành phố Ninh Bình), Công ty TNHH Goryo Việt Nam (Cụm công nghiệp Gia Vân, huyện Gia Viễn)...
Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ có kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 3,9 triệu USD, tăng 38,3% so với cùng kỳ, đạt 111,43% kế hoạch năm. Nhóm hàng này có sự tăng trưởng khá do các doanh nghiệp xuất khẩu thủ công mỹ nghệ triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài, đồng thời thực hiện phương pháp tiếp cận thị trường theo xu hướng hiện đại như tìm kiếm đối tác trên không gian mạng thông qua việc thuê gian hàng của các website bán hàng trực tuyến lớn trên thế giới như Amazon, Alibaba... nên nhận được một số hợp đồng lớn giúp gia tăng giá trị xuất khẩu.
Tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhưng sự tăng trưởng của nhóm hàng thủ công mỹ nghệ còn mang ý nghĩa quan trọng, góp phần gìn giữ giá trị truyền thống, tạo việc làm cho người dân nông thôn...
Huyện Kim Sơn hiện có 38 doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp và và 25 làng nghề truyền thống với ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm từ cói. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Trong năm 2019, các doanh nghiệp địa phương tập trung phát triển sản xuất, tìm kiếm thêm thị trường mới.
Ông Đoàn Văn Lan, Giám đốc Công ty TNHH Đổi Mới (huyện Kim Sơn) cho biết: Bên cạnh các thị trường quen thuộc như các nước châu Âu, Nhật Bản..., trong năm 2019 chúng tôi đã tiếp cận được thị trường Mỹ. Doanh thu của riêng thị trường này đạt gần 200 nghìn USD.
Các sản phẩm từ cói, bèo bồng, mây tre đan được người nước ngoài rất ưa chuộng bởi thân thiện với môi trường. Đó cũng là thách thức đối với Công ty chúng tôi, vừa phải ổn định sản xuất để đáp ứng về số lượng đặt hàng, vừa phải tập trung sáng tạo những mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Với chính sách của tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nhóm hàng về nông sản được kỳ vọng sẽ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu.
Trong năm 2019, nhóm hàng nông sản đạt kim ngạch 26,4 triệu USD, tăng 32,7% so với năm 2018, đạt 128,94% kế hoạch năm. Mặt hàng nông sản của tỉnh có mức tăng trưởng ổn định do Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã bắt đầu đưa vào khai thác dây chuyền mới hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất nông sản và doanh nghiệp tiêu thụ đã góp phần mở ra cánh cửa xuất ngoại đối với mặt hàng nông sản của tỉnh ta.
Như vậy, xuất khẩu của tỉnh đã đạt kết quả ấn tượng trong năm 2019. Có được kết quả này là bởi tỉnh ta đã tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho các doanh nghiệp sản xuất.
Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong mọi lĩnh vực, cung cấp thông tin thị trường, về thương mại tự do, dần tiếp cận các sàn thương mại điện tử... cũng như hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng xuất khẩu.
Tin rằng, với sự quan tâm sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các ngành chức năng sẽ là sức bật để đưa đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Thái Học