Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế trong năm 2018, nhiều chuyên gia nhận định, năm nay thị trường khu vực và trong nước có nhiều thay đổi nên các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tìm kiếm cơ hội mới. Bên cạnh đó, trong phát triển sản xuất, đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn lực sản xuất, thị trường và đặc biệt là vốn còn hạn chế. Do đó kết quả tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2017 và vượt 18,4% kế hoạch năm là rất đáng ghi nhận.
Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, căn cứ vào chỉ tiêu xuất khẩu do UBND tỉnh giao, Sở Công thương đã chủ động có kế hoạch hướng dẫn, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện tốt các chỉ tiêu xuất, nhập khẩu.
Theo đánh giá của ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương: Hoạt động xuất khẩu của năm, bên cạnh các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ truyền thống như: Cói, mây, tre đan, hàng thêu…các doanh nghiệp FDI, điển hình như Công ty TNHH May NienHsing, Công ty TNHH Giày Adora, Công ty TNHH MCNEX, Công ty TNHH Chang Xin Việt Nam… và các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng - clanke hoạt động có hiệu quả, đạt kim ngạch xuất khẩu cao, ổn định. Trong năm đã ghi nhận nhiều dự án sản xuất giày dép đi vào hoạt động và đạt giá trị lớn, xuất khẩu sang các nước châu á, Bỉ, Nga, Australia và Newzealand.
Ngoài ra, một số nhà máy sản xuất giày như Athena, Chung Jye đã đi vào hoạt động ổn định, tạo nguồn hàng quan trọng cho xuất khẩu. Hàng nông sản của tỉnh đã vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU... Kết quả này đã thể hiện sự đúng đắn trong việc thực thi các chính sách của tỉnh trong việc thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Cùng với đó, các ngành, các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 07 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh.
Cùng với đó, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, Sở Công thương đã nỗ lực cải cách hành chính, đặc biệt là trong việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục xuất khẩu. Đồng thời tập huấn, hướng dẫn làm thủ tục xuất khẩu, giới thiệu, cung cấp thị trường cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có những thông tin hữu ích để tiếp cận thị trường một cách nhanh nhất.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Quản lý xuất, nhập khẩu đã cấp trên 3.000 bộ C/O, tạo điều kiện rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận. Sở Công thương cũng đã triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển xuất khẩu, phát triển thương mại điện tử, kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên kết giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Ninh Bình với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong nước, tổ chức các chương trình đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức các hội chợ hàng xuất khẩu, đưa doanh nghiệp Ninh Bình tham gia hội chợ, giới thiệu hàng hóa tại các tỉnh và nước ngoài.
Tích cực xây dựng thương hiệu và uy tín của hàng xuất khẩu, khai thác tốt các thị trường truyền thống và các thị trường mới có nhiều tiềm năng, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu có lợi thế rõ ràng, có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao.
Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn hoàn thành xây dựng website thương mại điện tử bằng tiếng Anh cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu. Hỗ trợ Công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình xây dựng gian hàng trên trang bán hàng toàn cầu Alibaba.com. Tổ chức hội nghị tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2019, biện pháp vượt rào cản phi thuế quan trong thương mại quốc tế, việc triển khai phân luồng và cấp C/O điện tử.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các ngành tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ; thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng cường giám sát hàng nhập khẩu theo tiêu chuẩn, quy định…
Để xuất khẩu có sự tăng trưởng bền vững, thời gian tới tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung phát triển, khai thác các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Song sẽ không thể hoàn thành mục tiêu đề ra nếu thiếu vai trò của các doanh nghiệp trong việc chủ động, tích cực tìm hiểu, đổi mới mẫu mã hàng hóa cho phù hợp thị hiếu của từng thị trường, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu.
Nguyễn Thơm