Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ta đạt trên 750 triệu USD, tăng 24,4% so với năm 2013 và vượt 150 triệu USD so với kế hoạch và là năm tăng cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp xuất khẩu (chủ yếu là các doanh nghiệp FDI như: may mặc, giày dép) vẫn duy trì ổn định thị trường xuất khẩu, cả năm ước đạt 443,4 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ. Một số nhà máy sau một thời gian đầu tư đã đi vào sản xuất ổn định và có kim ngạch xuất khẩu cao như Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Mcnex Vina, năm 2014 ước đạt 110 triệu USD. Nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu của tỉnh, có thể thấy nhóm hàng dệt may, giày dép, xi măng-clanke là những nhóm hàng chủ lực có giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, một số mặt hàng khác vẫn duy trì được tốc độ xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may, giày dép đạt 360 triệu USD, tăng 5,6% so với năm 2013 và chiếm 48% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản thực phẩm (là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao) chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu: hàng thủ công mỹ nghệ đạt 5,4 triệu USD; mặt hàng nông sản thực phẩm chế biến đạt 7,3 triệu USD. Nguyên nhân là do các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản thực phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: xi măng - clanke, linh kiện điện tử, thiết bị lắp ráp ô tô, may mặc... tiếp tục tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Hàng may mặc đạt 44 triệu sản phẩm, đạt 110% kế hoạch, tăng 27,5%; sản phẩm dứa, dưa chuột, nước hoa quả đạt 3.800 tấn, đạt 146% kế hoạch năm, tăng 93,2%; xi măng + clanke đạt 6,4 triệu tấn, đạt 117% kế hoạch năm, tăng 28,2%; camera modun & linh kiện điện tử đạt 50 triệu sản phẩm, gấp hơn 3 lần kế hoạch; hàng thêu đạt 370 nghìn bộ/chiếc, đạt 115% kế hoạch, tăng 27,5%. Đặc biệt, từ năm 2014, trong danh mục hàng hóa xuất khẩu tỉnh Ninh Bình đã có sự "góp mặt" của mặt hàng linh kiện điện tử và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 110 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, dù những năm gần đây bị thu hẹp, nhưng hàng hóa xuất khẩu của Ninh Bình vẫn có mặt ở rất nhiều quốc gia. Năm 2014, hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu sang trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục trên thế giới. Nhìn chung hầu hết các thị trường đều có mức tăng trưởng cao so với năm 2013. Thị trường có kim ngạch cao nhất là châu á, ước đạt 358,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng 47,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường này là: Clanke, may mặc, giày dép, thức ăn gia súc, linh kiện điện tử... Thị trường châu Mỹ ước đạt 254,5 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường này là may mặc, giày dép, túi nhựa, linh kiện điện tử... Xuất khẩu sang thị trường châu Âu đạt 82,5 triệu USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái, với các mặt hàng là may mặc, giày dép, thêu ren, thảm trang trí, thảm trải sàn... Thị trường châu Phi đạt 33,5 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái…
Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ xuất khẩu năm 2015 đạt trên 830 triệu USD, thời gian tới, ngành Công thương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng, phát triển thị trường mới. Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Trước hết là phối hợp với các ngành đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt, may trên địa bàn; các dự án có công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn như: sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại...
Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, tập trung hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu mới... Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 53/KH-UBND của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ đến năm 2015, tập trung vào các nội dung: Bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống; đầu tư cơ sở hạ tầng các làng nghề; quy hoạch trung tâm giới thiệu và bán hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của tỉnh. Cùng với đó, Sở sẽ đẩy mạnh công tác đánh giá, dự báo thị trường; tổ chức tập huấn phổ biến nội dung cam kết quốc tế, làm rõ các lợi thế mà Việt Nam có thể thụ hưởng để các doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thanh Chiên