Ông Đỗ Hồng Quân, cán bộ kỹ thuật Công ty, phụ trách mô hình tại Ninh Bình cho biết: Toàn bộ quy trình, công đoạn của mô hình như: Làm đất, trồng, bón phân, vun xới, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… đều được thực hiện bằng máy. Mục tiêu của mô hình là giới thiệu và áp dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp trên cơ sở đó mà nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Từ mô hình này trong các vụ sau, nhân dân và các địa phương có thể tham quan học tập và áp dụng trên cơ sở hợp tác với Công ty trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Được biết, Công ty cũng đã triển khai mô hình như vậy tại xã Khánh Hòa với quy mô 25 ha, nâng tổng số mô hình trồng khoai tây bằng máy trên địa bàn huyện Yên Khánh lên gần 50 ha. Vụ đông năm 2014, mô hình trồng dưa chuột bao tử, cà chua nhót tiếp tục được nhiều xã viên HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) lựa chọn với tổng diện tích gieo trồng hàng chục ha. Bà Nguyễn Thị Huệ, một trong những nông dân tham gia trồng dưa chuột bao tử đầu tiên ở HTX cho biết: "Gắn bó với cây dưa bao tử từ ngày đầu tiên HTX đưa mô hình về, đến nay đã qua 5 vụ, cây dưa này cho thu nhập khá, năm nào thời tiết thuận thì thu được 5 triệu đồng/sào, kém lắm cũng được 2-3 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với trồng lúa". Hiện nay, bà con nông dân đã bắt đầu thu hoạch những lứa dưa đầu tiên, toàn bộ sản phẩm được Công ty á Châu thu mua hết với giá 6-7 nghìn đồng/kg. Mức giá này được Công ty ký kết với bà con thông qua HTX ngay từ khi cung cấp giống. Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến cho biết: Những năm gần đây, HTX đã tìm hướng chuyển đổi một phần diện tích lúa sang gieo trồng các cây trồng mới có giá trị cao như cà chua bi, dưa chuột bao tử… đồng thời chủ động ký hợp đồng với các công ty để tiêu thụ nông sản cho xã viên, bước đầu hình thành mô hình liên kết "4 nhà". Qua đó, đã làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Để chuyển đổi thành công phải đảm bảo 3 yếu tố. Thứ nhất là ruộng đất phải được dồn đổi thành thửa lớn và phải được quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, tưới tiêu. Thứ hai là yếu tố con người, nông dân phải có kỹ thuật vì chuyển đổi cây trồng có nghĩa là thay đổi cả một tập quán canh tác đã có từ lâu đời. Thứ ba là vấn đề thị trường, phải kết nối được các công ty, doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Thiếu một trong ba yếu tố này chuyển đổi khó thành công.
Được biết mới đây ngành nông nghiệp Ninh Bình còn triển khai mô hình trồng cây mắc-ca tại xã Kỳ Phú (Nho Quan); mô hình trồng cây đậu sao tại xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp). Theo đó: Mắc-ca là loại cây trồng mới du nhập vào Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ 21 và được mệnh danh là "cây tỷ đô la". Cây có nguồn gốc từ úc với giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Việt Nam, ít sâu bệnh… Mắc-ca đã được trồng thử nghiệm ở Tây Nguyên, Thạch Thành (Thanh Hóa), Điện Biên. Theo tính toán, một cây mắc-ca có thể cho tới 70 kg hạt và bán với giá 15 USD/kg, 1 ha trồng được khoảng 240-250 cây. Như vậy 1 ha trồng mắc-ca sẽ cho thu nhập cao gấp 6-7 lần so với việc trồng cây cà phê. Trên địa bàn tỉnh nhà hiện đã đưa vào trồng 10 ha cây mắc-ca tại huyện Nho Quan với tỷ lệ sống đạt 90% và cây đã cao 50-60 cm. Mô hình trồng cây đậu sao được thực hiện trên quy mô 4 ha tại xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp). Loại cây họ đậu này nguồn gốc từ Pê ru và có thể sống được hàng chục năm và sau 3 tháng trồng là đã ra hoa, kết quả. Tuy nhiên với những loại cây trồng mới này cần phải tính toán kỹ đầu ra cho sản phẩm thì mới đem lại hiệu quả bền vững.
Trường Sinh