Nhiều năm trở lại đây đào phai Đông Sơn đã khẳng định được thế mạnh của mình trên thị trường cùng với các làng đào nổi tiếng khác trong nước. Đào phai Đông Sơn có đặc điểm cánh dày, mầu phớt hồng, nhiều hoa, có mùi thơm nhẹ cành mềm dễ uốn... được nhiều người chơi hoa không chỉ của Ninh Bình mà cả các tỉnh lân cận yêu thích.Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó chủ tịch UBND xã Đông Sơn: Hiện nay xã Đông Sơn có gần 800 hộ trồng đào chủ yếu là đào phai với diện tích trên 155ha. Xã có 10 làng nghề trồng đào được công nhận là làng nghề truyền thống. So với các cây trồng truyền thống khác như chè, ngô thì đào là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình ở Đông Sơn đã tập trung đầu tư coi cây đào là nguồn thu nhập chính. Chỉ tính riêng Tết Nguyên đán năm 2017 doanh thu bán đào tại địa phương đạt khoảng 10 tỷ đồng. Mặc dù năm nay do ảnh hưởng của trận mưa lũ lịch sử kéo dài trong tháng 10 năm 2017, trên 40 ha diện tích trồng đào phai của Đông Sơn bị ngập sâu gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ dân nhưng xã đã tuyên truyền, vận động hỗ trợ bà con về kỹ thuật chăm sóc để đào phát triển tốt, ra hoa đúng vụ".
Đến thăm gia đình bà Vũ Thị Hương, thôn 1 khi gia đình bà đang tất bật ngắt lá, tỉa cành để chuẩn bị cho thương lái đến thu mua đào. Vườn đào nhà bà Hương có diện tích khoảng 1ha, có những gốc đào đã có thâm niên vài chục năm.
Bà Hương cho biết: Trước đây đào phai được đưa từ trên núi xuống chủ yếu trồng phục vụ nhu cầu trong gia đình, khoảng 10 năm nay gia đình bà mới thực sự trồng đào trở thành hàng hóa để bán mỗi dịp tết. Năm nay gia đình bà dự kiến bán khoảng hơn 1.000 gốc. Với số lượng lớn gốc đào nhưng chưa năm nào gia đình bà phải trực tiếp đi chợ bán vì từ tháng 11 thương lái khắp nơi đã đến đặt mua.
Theo bà Vũ Thị Hương năm nay tuy có bị lụt làm ảnh hưởng đến một số diện tích đào trong xã nhưng do thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc, cộng với năm nhuận nên thời gian sinh trưởng của cây đào dài hơn chính vì thế năm nay là 1 trong những năm hoa đào nhà bà nở đẹp nhất.
Bà Hương chia sẻ: Cây đào phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên người trồng đào phải rất công phu, tỉ mỉ từ các công đoạn chăm sóc như: Tuốt lá, tưới nước, kết hợp sưởi ấm bằng cách thắp bóng điện hoặc phun nước ấm lên lá, và phun phân bón thúc kích thích cho đào ra nụ, ra hoa, hoa to, cánh dày, màu sắc đẹp. Chỉ cần sai kỹ thuật ở 1 khâu thôi thì đào nở sớm hoặc muộn là công sức cả năm trời coi như "mất trắng".
So với các cây trồng khác, trồng đào không tốn kém phân bón, giống vốn mà đòi hỏi công chăm sóc, phòng trừ bệnh. Quan trọng nhất là có kỹ thuật hãm, thúc để đào nở đúng dịp Tết. Bà Hương nhẩm tính, trung bình mỗi năm gia đình bà cũng thu về từ đào khoảng 70-100 triệu đồng. Nhưng năm nay đào đẹp, nếu bán hết hơn 1.000 gốc đào gia đình sẽ thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng.
Một cái tết no ấm lại về trên làng đào phai Đông Sơn, trên gương mặt bà Hương cũng như mỗi người dân làng đào đều lộ rõ niềm vui và sự hãnh diện về làng nghề. Đặc biệt từ khi thành phố Tam Điệp có Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây đào phai Đông Sơn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để phát triển vùng trồng đào, năm 2015, UBND thành phố Tam Điệp đã quy hoạch hơn 110 ha vùng trồng đào, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để người dân xã Đông Sơn yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, UBND thành phố Tam Điệp đã ra nghị quyết xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương, thực hiện dự án nâng cao năng suất chất lượng cây đào. Hằng năm, thành phố tổ chức nhiều cuộc thi cành đào đẹp, người trồng đào giỏi để quảng bá thương hiệu đào phai Đông Sơn, mở hội chợ xuân để người dân trưng bày và bán sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, UBND thành phố Tam Điệp tiếp tục hỗ trợ người trồng đào về vốn, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng đào, liên kết, phối hợp với hội sinh vật cảnh tỉnh Ninh Bình để mở các lớp dạy kỹ thuật tạo đào thế cho người dân xã Đông Sơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm