Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã triển khai toàn diện các mặt hoạt động của đơn vị; thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức triển khai kịp thời chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó làm tốt công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của đối tượng trong hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý, thời gian gần đây, Cục QLTT tỉnh Ninh Bình đã tổ chức kiểm tra, xử lý nhiều vụ vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường cho biết, vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh do Cục QLTT chủ trì đã kiểm tra Công ty TNHH kính mắt Việt Nhật do ông Nguyễn Anh Tuấn làm đại diện có địa chỉ: số 1048, Trần Hưng Đạo, Phúc Thành, thành phố Ninh Bình. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện và xử lý Công ty TNHH kính mắt Việt Nhật về hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, phạt tiền 42.000.000 đồng, buộc tiêu hủy 131 chiếc kính mắt giả mạo nhãn hiệu trị giá 23.500.000 đồng, tịch thu 15 chiếc kính mắt là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá 4.500.000 đồng và tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa 2 tháng.
Qua công tác kiểm tra các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được biến tướng dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Trong 6 tháng đầu năm, Cục QLTT đã chỉ đạo các Đội QLTT đồng loạt tiến hành thẩm tra, xác minh, kiểm tra đối với các cơ sở có dấu hiệu kinh doanh đồng hồ giả mạo các nhãn hiệu Thụy Sĩ trên địa bàn. Kết quả:đã kiểm tra 07 cơ sở, xử lý 07 vụ vi phạm với 08 hành vi vi phạm, phạt tiền: 68.000.000 đồng, tịch thu 36 chiếc đồng hồ không rõ nguồn gốc xuất xứ có trị giá 7.200.000 đồng, buộc tiêu hủy 198 chiếc đồng hồ giả mạo nhãn hiệu có trị giá 57.300.000 đồng. Đồng thời, buộc các cơ sở kinh doanh tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa 2 tháng. Hàng hóa tiêu hủy chủ yếu là các loại đồng hồ đeo tay giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng của Thụy Sỹ như: Omega, Rolex, Patek Philippe, Catier, Chanel, Burberry.
Thực hiện Kế hoạch của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra và xử lý 05 vụ vi phạm. Trong đó: 04 hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, 01 hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, 02 hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, 01 hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, với tổng số tiền thu phạt 193.010.000 đồng. Trong đó: phạt tiền 108.500.000 đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 22.500.000 đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy 67.010.000 đồng.
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường cũng đưa vào hoạt động và công bố số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử tiếp nhận và xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của BCĐ 389 tỉnh Ninh Bình.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chủ sở hữu, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng mà còn là động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp. Bên cạnh việc các doanh nghiệp cần tăng cường các biện pháp tự bảo vệ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa của mình, rất cần người tiêu dùng nâng cao ý thức trong việc sử dụng hàng hóa, không tiếp tay cho những hành vi vi phạm của gian thương. Đồng thời các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc những vi phạm nhằm đảm bảo công bằng trong kinh doanh cũng như lành mạnh thị trường thương mại.
Nguyễn Thơm