Trong bối cảnh đó, tỉnh đã kịp thời xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là một chiến lược phát triển kinh tế bền vững, khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh của vùng, với mục tiêu đầu tư có hiệu quả nhằm đem lại những lợi ích lâu dài.
Đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết: Tỉnh Ninh Bình nói chung và huyện Kim Sơn nói riêng có vị thế ảnh hưởng đặc biệt với vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Hồng và là một vùng trọng điểm của chiến lược biển Việt Nam.
Huyện Kim Sơn có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, trong đó vùng bãi bồi ven biển được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ như: tôm sú, cua biển, cá vược, cá mú, ngao, sò. Ngoài ra, khu vực ven biển Kim Sơn được xác định là một trung tâm kinh tế biển quan trọng của Ninh Bình.
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển Kim Sơn, tỉnh sẽ xây dựng các dự án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch. Ngoài ra, bãi biển Kim Sơn có khung cảnh hoang sơ, có tiềm năng phát triển đa dạng các ngành kinh tế như công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản...
Theo báo cáo kết quả 12 năm phát triển kinh tế biển huyện Kim Sơn giai đoạn từ 2002 đến 2014, diện tích nuôi trồng thủy sản đã tăng lên gần 2 lần. Từ hơn 1.500 ha năm 2002, đến năm 2014, diện tích nuôi thủy sản là 3.000 ha. Sản lượng thủy sản năm 2014 đạt 13.697 tấn.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, diện tích trên tương đối ổn định, sản lượng thủy sản ước đạt 5.997 tấn, trong đó: tôm rảo 110 tấn, cua xanh 95 tấn, ngao 5.600 tấn, cá và thủy sản khác là 192 tấn. Trong định hướng phát triển kinh tế của các xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, nuôi trồng thủy sản chính là mắt xích quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.
Từ những lợi thế vốn có cùng với hiện trạng sản xuất thủy sản hiện nay đã cho thấy hướng phát triển một vùng chuyên canh nuôi trồng thủy, hải sản ở Kim Sơn là một sách lược đúng đắn của tỉnh ta.
Nhưng, nếu chỉ phát triển nuôi trồng thủy sản tại đây thì sẽ là một lãng phí lớn, bởi những tiềm năng của vùng biển và ven biển Kim Sơn là vô cùng lớn.
Theo quy hoạch phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bên cạnh quy hoạch nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ thương mại cũng sẽ trở thành những ngành trọng tâm.
Quy hoạch nông, lâm, ngư nghiệp được định hướng phát triển bền vững, sản xuất hiệu quả. Trong đó, coi thủy sản là ngành kinh tế quan trọng, chú trọng vùng chuyên canh ven biển, nâng cao giá trị xuất khẩu.
Chuyển đổi phương thức đánh bắt ven bờ, xa bờ cùng với chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp. Đồng thời, gắn liền với công tác bảo tồn sinh cảnh biển, các loài quý hiếm, hệ sinh thái ven biển cũng như môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Về quy mô, sản xuất nông nghiệp chia thành 2 khu tại thị trấn Bình Minh: khu trồng lúa khoảng 350 ha, khu trồng cói khoảng 100 ha.
Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 dự kiến là 3.750 ha và năm 2030 là 4.100 ha. Tập trung trồng rừng phòng hộ ven tuyến đê Bình Minh 3 về phía biển, trồng mới rừng dọc sông Càn, sông Đáy... quy hoạch đến năm 2020 là 1.208 ha và đến năm 2030 là 1.358 ha.
Về phát triển kinh tế công nghiệp, dự kiến quy mô khoảng 1.136 ha bao gồm: Khu công nghiệp giai đoạn I từ 2013 - 2020, với quy mô tổng diện tích 200 ha; Khu công nghiệp giai đoạn II, quy hoạch phát triển cho giai đoạn 2021 - 2030 với quy mô tổng diện tích 936 ha. Phân bổ chủ yếu tại các vành đai và trục hướng tâm trong khu vực, liên quan mật thiết đến phát triển không gian đô thị Bình Minh và đô thị Cồn Nổi.
Phải đảm nhiệm được vai trò là động lực chính để đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa khu vực ven biển. Ngành nghề được lựa chọn sẽ là ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn hoặc có tính chất phụ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn.
Các ngành nghề phải phát triển theo hướng công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và liên quan mật thiết đến đào tạo - nghiên cứu công nghệ. Đồng thời, các ngành nghề chế biến nguyên liệu thủy sản của địa phương, có liên hệ sản xuất và thị trường với các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, các khu tiểu thủ công nghiệp tập trung gắn với làng nghề truyền thống, phục vụ du lịch văn hóa cần bảo tồn vẫn được duy trì và phát triển, tuy nhiên cần được kiểm soát giải pháp về công nghệ, hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Về phát triển hệ thống dịch vụ du lịch, định hướng xây dựng khu kinh tế ven biển Kim Sơn trở thành một trong những trung tâm dịch vụ - du lịch của tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong đó, định hướng là phát triển du lịch trên cơ sở tuyến du lịch Tam Cốc - Bích Động - Nhà thờ đá Phát Diệm với các sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái rừng và biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nhân văn, du lịch nghiên cứu động, thực vật. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch trên khu vực Cồn Nổi là hạt nhân.
Tại đây hình thành khu du lịch biển, đảo kết nối với không gian du lịch tâm linh, cảnh quan tại Hoa Lư - Bái Đính. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu cao ốc văn phòng cho thuê, khách sạn, khu khách sạn thấp tầng dạng biệt thự, khu liên hợp văn hóa...
Hình thành tour du lịch bằng đường thủy trên các hành lang sông Đáy nối với hệ thống đường sông của các tỉnh trong vùng. Cùng với đó là phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái biển, làng nghề gắn với bảo vệ khu vực nông thôn và các di sản văn hóa truyền thống.
Trong quy hoạch hệ thống dịch vụ thương mại, vùng ven biển Kim Sơn sẽ trở thành một trung tâm thương mại, tài chính - ngân hàng, giao dịch quốc tế. Cùng với việc quy hoạch phát triển không gian đô thị, việc cải tạo và tăng cường các cơ sở thương mại, chợ tại các xã, thị trấn hiện nay, nâng cấp chợ Kim Đông.
Xây dựng mới Trung tâm tài chính, trung tâm thương mại tổng hợp tại đô thị Bình Minh. Hình thành mạng lưới chợ đầu mối thu mua, phân phối thủy sản và nông sản tổng hợp cấp vùng gắn với vùng sản xuất nông nghiệp lúa, rau, hoa, quả sản lượng cao tại đô thị Bình Minh. Tại các khu công nghiệp Kim Sơn sẽ hình thành khu dịch vụ tiếp vận trung chuyển hàng hóa.
Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng cũng sẽ được cải thiện đáng kể, điển hình là việc quy hoạch 3 đô thị: Bình Minh, Cồn Nổi, Kim Đông cùng với hệ thống thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước.... Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tin rằng trong tương lai gần, vùng kinh tế ven biển Kim Sơn sẽ trở thành nhân tố quan trọng, đóng góp không nhỏ trong nền kinh tế của tỉnh ta.
Thái Học