Tính đến hết năm 2013, tỉnh ta có 75 làng nghề được công nhận là làng nghề cấp tỉnh với nhiều nghề thủ công truyền thống mang đậm nét bản sắc riêng như: chế biến cói, thêu ren, mây tre đan, bún bánh, trồng đào phai, gỗ mỹ nghệ, chế tác đá mỹ nghệ, nghề gốm, nghề nề - xây dựng…
Nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, một số làng nghề truyền thống hoạt động ở các lĩnh vực ngành nghề có thế mạnh của tỉnh đã phát triển khá mạnh mẽ với quy mô lớn, lao động có việc làm ổn định với nhiều đơn hàng xuất khẩu và các đơn hàng có giá trị cao như: làng nghề chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân, làng nghề thêu ren Văn Lâm xã Ninh Hải, làng nghề mộc Phúc Lộc phường Ninh Phong, làng nghề gốm Mỹ Lộc xã Gia Thủy, các làng nghề chế biến cói...
Hoạt động của các làng nghề trong tỉnh đã thu hút và tạo việc làm cho cho khoảng 22.000 lao động nông thôn, số hộ tham gia hoạt động nghề ở làng thấp nhất cũng chiếm 48% tổng số hộ trong làng, thu nhập bình quân ước đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng, giá trị sản xuất ở các làng nghề đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Hoạt động của các làng nghề tuy có bước phát triển, song chưa thực sự ổn định và phát triển bền vững. Số hộ làm nghề trong các làng nghề và giá trị sản xuất nghề đã giảm (lao động tham gia sản xuất trong các làng nghề năm 2013 giảm 19% so với năm 2012; giá trị sản xuất giảm 20% so với năm 2012). Một số làng nghề bị thu hẹp quy mô hoạt động sản xuất so với những năm trước đây hoặc phải tạm dừng hoạt động do không tìm kiếm được nguồn nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm như làng nghề chẻ tăm hương Thần Lũy II, xã Đức Long (huyện Nho Quan) và làng nghề cốt chăn bông Nhân Lý, xã Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư).
Nguyên nhân là do các làng nghề chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, hoạt động tự phát, chưa được đầu tư đồng bộ để phát triển sản xuất, thiếu vốn sản xuất; mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất còn ở mức thấp; lao động chưa qua đào tạo, sản phẩm làm ra chủ yếu bằng phương thức thủ công nên năng suất thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Hầu hết các làng nghề truyền thống tại tỉnh ta chưa xây dựng được thương hiệu riêng, việc tiêu thụ hàng phải qua nhiều khâu trung gian hoặc phải sử dụng thương hiệu của đối tác. Không chỉ các làng nghề nhỏ mà các làng nghề lớn có tiềm lực cũng vấp phải những khó khăn về vấn đề xây dựng thương hiệu.
Nghề chế biến cói Kim Sơn đã trải qua gần 2 thế kỷ tồn tại với bao thăng trầm, đến nay sản phẩm cói đã có mặt trên 40 quốc gia trên thế giới. Mặc dù đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài nhưng nghề cói Kim Sơn nói riêng và tỉnh ta nói chung chưa xây dựng được thương hiệu nên việc tiêu thụ luôn thụ động, hiệu quả kinh tế thấp. Hiện nay sản phẩm cói xuất khẩu chủ yếu dưới dạng sản phẩm thô và xuất qua các đơn vị trung gian là các Công ty xuất nhập khẩu nên giá trị sản phẩm và kim ngạch xuất khẩu thấp. Các sản phẩm làng nghề cói xuất khẩu ra thị trường quốc tế, không có bao bì, nhãn mác riêng mà phải gắn nhãn mác của nhà nhập khẩu, dẫn đến làm mất thương hiệu sản phẩm truyền thống.
Nghề thêu ren ở Ninh Hải cũng là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Hiện nay nghề thêu Ninh Hải có hơn 10 doanh nghiệp hoạt động và thu hút khoảng 47% số lao động địa phương tham gia làm nghề. Giá trị từ nghề thêu ước đạt 25 - 30 tỷ đồng mỗi năm. Mặc dù có giá trị văn hóa và giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay nghề thêu Ninh Hải đang đối mặt với không ít khó khăn do sự biến động của giá cả thị trường, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.
Đa số các hộ phải sản xuất cầm chừng, hàng đặt bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Nhiều hộ phải chuyển sang hàng may mặc, chất lượng thấp hơn để duy trì sản xuất khiến uy tín của làng nghề bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp làm hàng thêu xuất khẩu cũng phải thực hiện qua các khâu trung gian, không tìm được đơn hàng trực tiếp hoặc phải gắn nhãn, mác, mã vạch và tất cả thông số, tiêu chuẩn, mẫu bao bì để đóng gói theo yêu cầu của đối tác.
Hiện nay, xây dựng và phát triển thương hiệu là yếu tố cạnh tranh quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của làng nghề trong bối cảnh tự do hóa thương mại. Vì vậy để các làng nghề truyền thống tại tỉnh ta phát triển bền vững, việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề là một vấn đề cần thiết và là hướng đi đúng. Khi xây dựng được thương hiệu sẽ tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu sẽ không phải qua các khâu trung gian hay dùng thương hiệu của đối tác khi xuất khẩu, từ đó tăng giá trị và doanh thu cho làng nghề.
Muốn làm được việc này cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong làng nghề về tầm quan trọng của thương hiệu trên thị trường. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nghề, đổi mới thiết bị công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và uy tín của sản phẩm làng nghề trên thị trường trong nước và quốc tế. Cần quan tâm xác lập quyền bảo hộ đối với sản phẩm làng nghề thông qua nhiều hình thức như: nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể hay chỉ dẫn địa lý…
Sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đưa ra thị trường sẽ được quản lý chất lượng, yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt. Vì vậy, sản phẩm truyền thống sẽ khó bị làm giả, làm nhái. Qua đó, các làng nghề có thể mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, tăng khả năng xuất khẩu và nâng cao giá trị sản xuất. Cùng với đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ làng nghề và các doanh nghiệp sản xuất trong làng nghề giải quyết những khó khăn về vấn đề nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo nghề…
Các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tận dụng sự hỗ trợ tối đa của Nhà nước qua các chương trình khuyến công để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thương hiệu thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
Hồng Giang