Điều kiện, cơ sở ban đầu
Nếu như năm 1992, diện tích lúa của cả tỉnh là 74.247 ha, năng suất bình quân đạt 70,63 tạ/ha/năm, sản lượng lúa cả năm chỉ đạt 262.550 tấn…thì đến năm 2001, diện tích lúa đã đạt 83.240 ha, năng suất đạt 105,55 tạ/ha/năm, sản lượng đạt 440.381 tấn. Thủy sản phát triển nhanh cả về nuôi trồng và đánh bắt, hình thành nên vùng nuôi trồng thủy sản nước nợ - ven biển Kim sơn với trọng tâm là nuôi tôm sú. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển đa dạng và chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó là đổi mới chức năng, nhiệm vụ của HTX nông nghiệp lấy hoạt động dịch vụ cho người nông dân là trọng tâm. Phong trào kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nông thôn phát triển "rầm rộ" ở khắp mọi miền quê. Như vậy, đây có thể coi là thời kỳ " đột phá" trong sản xuất lương thực của tỉnh, từ một địa phương thiếu ăn đã vươn lên tự đảm bảo đủ lượng lương thực cần thiết và có phần dư thừa phục vụ cho các lĩnh vực, ngành nghề khác phát triển, nhất là chăn nuôi. Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm phát triển nông nhiệp, nông thôn và nâng cao mức sống cho người nông dân: Nghị quyết 03 về phát triển vụ đông; Nghị quyết 04 về phát triển ngành nghề cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ; Chương trình phát triển lúa cao sản, lúa chất lượng cao; Các chương trình, Nghị quyết, dự án, đề án… đó là cơ sở, động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển ở mức cao hơn, đi vào "chiều sâu". Đến năm 2010, diện tích lúa đạt 71.097,5 ha có giảm so với năm 2000, nhưng năng suất lại cao hơn 17 tạ/ha. Diện tích lúa chất lượng cao đạt 19.704 ha và đó là hướng phát triển sản xuất của các địa phương ở những năm sau, nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Sản lượng lương thực cây có hạt đạt 51,4 vạn tấn. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 76,3 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo, theo tiêu chí năm 2005 còn 6,15% (hộ nghèo chủ yếu nằm ở vùng nông thôn). Tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch đạt 80%. Tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt 90%; Đường thôn, ngõ xóm hầu hết đã được bê tông hóa, cứng hóa (đạt 95%)…Những kết quả đạt được trong những năm qua là cơ sở ban đầu, điều kiện cần thiết cho Tỉnh nhà triển khai xây dựng NTM theo Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra.
Lộ trình và bước đi
Xác dịnh xây dựng NTM là một chươnng trình lớn, rộng, lâu dài với nhiều khó khăn, phức tạp. Lộ trình và bước đi thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở tỉnh nhà là phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã (Khoảng 25 xã) đạt tiêu chí NTM, năm 2020 có 50% số xã đạt NTM. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch xây dựng NTM đi trước một bước, làm cơ sở cho việc phê duyệt các chương trình dự án đầu tư; Bao gồm, quy hoạch sử dụng đất và phát triển hạ tầng thiết yếu cho sản xuất, hạ tầng kinh tế xã hội, môi trường, quy hoạch phát triển các khu dân cư và chỉnh trang khu dân cư theo tiêu chí NTM. Đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn là khâu đột phá, thực hiện lâu dài có bước đi phù hợp cho từng thời kỳ. Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho họ. Hiện tại lao động trong lĩnh vực nông-lâm- thủy sản chiếm 49,5% lao động cả tỉnh, nhưng tỷ lệ lao động được đào tạo mới chiếm 28%. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM (Đóng góp của cộng đồng dân cư; Đầu tư của doanh nghiệp, cộng đồng, HTX, hộ tư nhân cá nhân trong và ngoài nước; Vốn tín dụng; Vốn ngân sách). Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và huy động tối đa nguồn lực của các địa phương, trong đó có nguồn lực từ nhân dân.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này, xây dựng NTM các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều cố gắng và bước đầu đã đạt đuợc một số kết quả đã thành lập và kiện toàn bộ máy tổ chức cấp tỉnh và mới đây có sự kiện toàn, bổ sung thành viên Ban chỉ đạo; Phân công, phân nhiệm cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo, Các ngành và các địa phương. UBND tỉnh đã thành lập bộ phận giúp việc cho Ban chỉ đạo do đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT làm Chánh văn phòng Ban điều phối. 100% các huyện, thị xã cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, các xã thành lập Ban quản lý. Đồng chí Phạm Hồng Sơn, Chi cục phó Chi cục phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết: 7 huyện, thị xã đã lựa chọn 25/120 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Đến nay các xã đã hoàn thành công tác điều tra khảo sát thực trạng nông nghiệp, nông thôn ở địa phương mình. Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, trong số 120 xã xây dựng NTM đã có 119/120 xã thương thảo ký hợp đồng kinh tế lập quy hoạch xây dựng NTM xã; 45/120 xã đã có dự thảo đề án xây dựng NTM xã.
Khó khăn, bất cập vẫn nhiều
Đồng chí Trần Văn Bách, Giám đốc sở NN&PTNT, Chánh văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, có phạm vi thực hiện rộng, liên quan đến đại đa số dân cư trên địa bàn (Gần 80% dân cư sống ở vùng nông thôn). Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp chưa nhiều, chưa mạnh. Sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn phân tán, manh mún tự phát và phát triển còn chưa bền vững. Việc trang bị máy móc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều trở ngại và khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ. Hệ thống quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quy hoạch, kế hoạch chất lượng còn thấp. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tuy đã có nhiều cố gắng, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và sự phát triển. Đời sống về vật chất và tinh thần của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn và chênh lệch nhiều so với thành thị…
Mặt khác những tiêu chí có tính chất quan trọng, quyết định đến sự thay đổi của "bộ mặt" nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người nông dân như: Quy hoạch (TC1), Giao thông (TC2), Thủy lơi (TC3), Thu nhập (TC 10), Hộ nghèo (TC11), Cơ cấu lao động (TC12), Môi trường (TC17)…ít xã đạt được, thậm trí còn rất xa vời so với Bộ tiêu chí Quốc gia. Vốn dĩ nông thôn Việt Nam đã hình thành một cách tự phát và phát tiển không theo một quy hoạch hoặc định hướng nào. Cơ sở hạ tầng nông thôn (đường, trường, trạm, trại…) trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ngành, nên ít nhiều đã được đầu tư xây dựng, song so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được. Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, giảm nghèo trong nông thôn cũng đã được chú trọng, nhưng vẫn chưa được như mong muốn…Đây chính là những khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng NTM của các xã ở Tỉnh ta. Cũng theo phản ánh của các xã thì có những tiêu chí tỏ ra bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế của các vùng nông thôn và cần được Trung ương điều chỉnh bổ sung. Đơn cử như tiêu chí số 7 (Chợ), không nhất thiết địa phương nào cũng phải có. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân còn hiểu chưa đúng về xây dựng NTM, nên công tác thông tin, tuyên truyền phải được tăng cường với nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trong đến việc thông tin, tuyên truyền về cơ cấu vốn đầu tư cho xây dựng NTM, để người dân biết, hiểu và tự giác, tự nguyện tham gia chương trình.
Đinh Chúc