Trong 3 vấn đề của tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) khó có thể tách rời một vấn đề nào riêng rẽ, hoặc chú trọng một vấn đề nào, mà chúng có sự liên quan mật thiết, hữu cơ với nhau, tác động bổ sung cho nhau. Vì vậy, trong chính sách phát triển tam nông cần có giải pháp tổng thể, toàn diện, trong đó lấy nông dân làm trung tâm, là động lực để giải quyết. Mặt khác cần phải có giải pháp mạnh để phát triển nông nghiệp, nông thôn ở trình độ cao hơn, giải quyết được vấn đề bức xúc hiện đang đặt ra là khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp nước nhà, việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói, giảm nghèo cho nông dân và tổ chức phát triển nông nghiệp một cách hài hòa, bền vững.
Về lâu dài Nhà nước cần xây dựng một hệ thống chính sách khuyến khích phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; chính sách tích tụ ruộng đất; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững; phát triển làng nghề, tiểu thủ công nghiệp ở vùng nông thôn, gắn thương hiệu nông nghiệp, nông thôn với tiêu chuẩn môi trường; rút ngắn sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn. Miễn thủy lợi phí cho các hộ gia đình, cá nhân có đất mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối trong hạn mức và đất 5% công ích do địa phương quản lý mà hộ gia đình, cá nhân được giao đấu thầu quyền sử dụng trong 2 năm qua được coi là "cú hích" đầu tiên kể từ khi có Nghị quyết 26 để nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Trước đó, đã có nhiều chương trình, dự án, đề án được thực thi trên phạm vi toàn quốc nói chung và tỉnh nhà nói riêng, hướng đến nông nghiệp, nông thôn và người nông dân. Ninh Bình đã rất thành công với các chương trình, dự án: Xóa đói, giảm nghèo; xóa nhà tranh, vách đất; kiên cố hóa kênh mương; bê tông hóa đường giao thông; phát triển lúa cao sản, lúa chất lượng cao; cải tạo đàn bò, đàn dê và phát triển đàn gia cầm; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Đó là điều kiện ban đầu, là cơ sở cần thiết để các địa phương trong tỉnh bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Gần 1 năm qua, 120 xã của tỉnh đã và đang bước vào thực hiện Chương trình, trong đó có 25 xã được chọn làm trước (giai đoạn 2010-2015) và phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã xây dựng thành công nông thôn mới. Từ những bước đi ban đầu còn lúng túng, nhận thức chưa đúng… đến nay hệ thống chỉ đạo, quản lý được thành lập từ tỉnh đến cơ sở, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh. Các xã đã hoàn thành bước điều tra khảo sát thực trạng nông thôn, đã và đang tiến hành lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới của địa phương mình. Chính phủ cũng đã ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia là chỗ dựa, là mục tiêu cho các đơn vị phấn đấu và đi kèm với nó là quy trình, lộ trình, bước đi cụ thể. 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia là những vấn đề thuộc các lĩnh vực khác nhau, liên quan đến các cấp, các ngành: quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, an ninh trật tự… là bước thể hiện cụ thể của Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Qua thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh nhà cho thấy: Các địa phương đã và đang tích cực triển khai thực hiện, theo lộ trình và bước đi, nhưng cũng đã xuất hiện những bất cập, khó khăn nhất định và tùy thuộc vào từng tình hình mỗi địa phương.
Quan điểm chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới là: Xây dựng cơ sở hạ tầng là điều kiện tiền đề, phát triển sản xuất mới là cốt lõi và nâng cao đời sống cho người nông dân là mục tiêu. Với quan điểm đó thì các dự án, chương trình tạo ra những của cải vật chất có chất lượng, giá trị cao được ưu tiên đầu tư và mọi chương trình dự án đều hướng đến mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống cho người nông dân cả về vật chất và tinh thần.
Đinh Chúc