Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chánh Văn phòng Ban điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Trong 3 vấn đề của Tam nông (Nông nghiệp, nông dân, nông thôn) khó có thể tách rời một vấn đề nào riêng rẽ; hoặc chú trọng một vấn đề nào mà chúng có sự liên quan mật thiết, hữu cơ với nhau, tác động hỗ trợ bổ sung cho nhau; vì vậy trong chính sách phát triển cần có giải pháp tổng thể, toàn diện; trong đó lấy nông dân làm trung tâm, là động lực để giải quyết.
Mặt khác cần phải có giải pháp mạnh để phát triển nông nghiệp, nông thôn ở trình độ cao hơn; giải quyết được vấn đề bức xúc hiện đang đặt ra là khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp nước nhà, việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo cho nông dân (Đa số các hộ, gia đình thuộc diện đói nghèo đều nằm ở khu vực này) và tổ chức phát triển nông nghiệp một cách hài hòa, bền vững.
Khắc phục nếp nghĩ, cách làm nhỏ lẻ, manh mún, tầm nhìn hẹp, thụ động, ỷ lại, yên phận, ăn xổi, kinh doanh chụp giật, sợ rủi ro, tác phong làm ăn tùy tiện, tính kỷ luật kém, tư tưởng bình quân chủ nghĩa…của người nông dân.
Nhà nước cần xây dựng một hệ thống chính sách khuyến khích phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; chính sách tích tụ ruộng đất; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cơ cấu giống cây trồng, phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững; phát triển làng nghề, tiểu thủ công nghiệp ở vùng nông thôn, gắn thương hiệu nông nghiệp, nông thôn với tiêu chuẩn môi trường.
Có một thực tế là thu nhập bình quân chung của người dân nông thôn (nông dân) thấp hơn 2 lần so với người dân sống ở thành thị; sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn ngày càng gia tăng và đã đến lúc có sự quan đặc biệt đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên tất cả các mặt.
Miễn thủy lợi phí cho các hộ gia đình, cá nhân có đất mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối trong hạn mức và đất 5% công ích do địa phương quản lý mà hộ gia đình cá nhân được giao đấu thầu quyền sử dụng trong các năm qua được coi là "cú hích" đầu tiên (kể từ khi có Nghị quyết 26) để nông nghiệp, nông thôn phát triển và giảm dần những khoản đóng góp của người nông dân.
Trước đó, đã có nhiều chương trình, dự án, đề án được thực thi trên phạm vi toàn quốc nói chung và tỉnh ta nói riêng, hướng đến nông nghiệp, nông thôn và người nông dân.
Ninh Bình đã rất thành công với các chương trình, dự án: Xóa đói, giảm nghèo; xóa nhà tranh vách đất; kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông; phát triển lúa cao sản, lúa chất lượng cao; cải tạo đàn bò, đàn dê và phát triển đàn gia cầm; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đó là điều kiện ban đầu, là cơ sở cần thiết để các địa phương trong tỉnh bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Phó Giám đốc sở NN&PTNT, chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cũng cho biết: Hơn 5 năm qua, 119 xã của tỉnh đã và đang bước vào thực hiện Chương trình. Từ những bước đi ban đầu còn lúng túng, nhận thức chưa đúng…đến nay đã có cả một hệ thống chỉ đạo, quản lý được thành lập từ tỉnh đến cơ sở; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh.
Với 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia là những vấn đề thuộc các lĩnh vực khác nhau, liên quan đến các cấp, các ngành: quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, Giáo dục, y tế, an ninh trật tự… và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 33,6% tổng số xã tham gia thực hiện Chương trình, vượt 60% cho cả giai đoạn 2011-2015.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi hẳn bộ mặt ở các làng quê, nhất là về đường , trường, trạm, trại; đời sống của nông dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần; trình độ tổ chức, quản lý của cán bộ cơ sở được cải thiện...
Nhưng, tùy thuộc vào từng địa phương mà xuất hiện những bất cập, khó khăn nhất định; trong đó khó khăn lớn nhất của các xã là vấn đề vốn với lượng vốn cần nhiều nhưng nguồn lại có hạn, nhất là nguồn vốn cần cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất.
Phát huy kết quả đạt được năm 2016, trên địa bàn Tỉnh có 21 xã đăng ký về đích, gồm: Sơn Hà, Văn Phong (Nho Quan); Gia Hưng, Gia Phú, Gia Tiến, Gia Trấn (Gia Viễn); Ninh Khang, Ninh Hòa, Ninh Xuân (Hoa Lư); Ân Hòa, Như Hòa, Đồng Hướng, Lai Thành, Văn Hải (Kim Sơn); Yên Nhân, Mai Sơn (Yên Mô); Quang Sơn (TP Tam Điệp); Hoa Lư là huyện đầu tiên của Tỉnh đăng ký đạt chuẩn vào cuối năm.
Quan điểm chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới là: Xây dựng cơ sở hạ tầng là điều kiện tiền đề, phát triển sản xuất mới là cốt lõi và nâng cao đời sống cho người nông dân là mục tiêu. Với quan điểm đó thì các dự án, chương trình tạo ra những của cải vật chất có chất lượng, giá trị cao được ưu tiên đầu tư và mọi chương trình dự án đều hướng đến mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống cho người nông dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Suy cho cùng thì mọi hoạt động: Xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất; phát triển văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao; giữ gìn an ninh trật tự; bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người dân…đều hướng đến đích cuối cùng là con người, mà cụ thể ở đây là nâng cao đời sống cho người nông dân.
Đinh Chúc