Không một ai có thể sống biệt lập, tự mình làm lấy tất cả mọi việc, không cần sự giúp đỡ của người khác, cả về vật chất và tinh thần. Thực tế có rất nhiều việc nếu như không có sự tận tình, tận tâm giúp đỡ của người khác, từ những người thân trong gia đình, lãnh đạo và anh chị em trong cơ quan, đơn vị và những nơi ta cần liên hệ giải quyết các công việc; của cán bộ, nhân dân trong xóm làng, phường phố, thầy cô và các bạn trong lớp, trong trường và cả những người thậm chí ta không quen biết... thì ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác, trong cuộc sống hàng ngày, khó có thể phát triển được, thậm chí không sống nổi khi gặp tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo.
Nhìn chung, khi giúp đỡ người khác không mấy người nghĩ đến sự trả ơn hay được sự "cảm ơn", có khi đơn giản chỉ là nghĩ đến làm tròn bổn phận của mình, có khi là do có tình cảm cá nhân, quen biết nhưng cũng có khi không hề quen biết, nhưng trước những tình huống khẩn cấp có thể gây thiệt hại cho người khác hoặc thấy những việc có thể giúp đỡ có lợi, giảm thiệt hại cho người khác thì xuất phát từ lương tâm, đạo đức của con người mà kịp thời, không ngần ngại, không hề có sự so đo, tính toán thiệt hơn cho mình, sẵn sàng ra tay giúp đỡ một cách hoàn toàn vô tư cho dù mình bị vất vả, tốn kém, thiệt thòi, thậm chí hy sinh cả thân mình. Đấy là phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người, là văn minh, là lẽ sống trong cộng đồng, là tình người, tình đồng chí, đồng bào, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Để đáp lại nét đẹp đạo đức, văn hóa, truyền thống ấy, điều cơ bản là mỗi người sẵn sàng giúp đỡ người khác với tinh thần "mình vì mọi người, mọi người vì mình", đồng thời tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể có thể ghi ơn, trả ơn (kể cả bằng vật chất) mặc dù người giúp đỡ không yêu cầu, không đòi hỏi, nhưng ít nhất cũng có lời "cảm ơn" người đã giúp đỡ mình!
Ngược lại, trong công tác và trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cũng không thể tránh khỏi những lời nói, việc làm sai sót vô tình hoặc hữu ý ảnh hưởng không tốt, thậm chí gây thiệt hại cho người khác và người khác có những lời nói, việc làm gây ảnh hưởng không tốt, thiệt hại cho ta. Nếu những việc làm ấy vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng phần nhiều là trong phạm vi tự giải quyết với nhau, trong những vụ việc cần thiết thì bồi thường cho người bị hại, nhưng đầu tiên, trước hết là cần có lời "xin lỗi".
Có lẽ dân tộc nào trên thế giới cũng có hai từ "cảm ơn" và "xin lỗi". Còn nhớ, trước đây khi sang học ở Liên Xô, những ai chưa biết tiếng Nga thì đầu tiên là phải học thuộc bốn từ "cửa miệng" bằng tiếng Nga là "xin chào", "tạm biệt", "cảm ơn" và "xin lỗi". Nhân dân ta có câu "Lời chào cao hơn mâm cỗ", chào khi gặp nhau, mời khi ăn, khi uống; với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", đền ơn, đáp nghĩa, biết ơn những người đã hy sinh vì dân, đã giúp đỡ mình và chịu lỗi trước những việc làm sai trái của mình. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống hàng ngày vẫn còn có những người xử sự rất thiếu văn hóa, không biết nói một lời "cảm ơn" khi người khác giúp đỡ mình và một lời "xin lỗi" khi mình có lỗi với người khác.
Một hôm, tại một nơi gửi xe máy sau khi trả vé, trả tiền, có một bác vừa dắt xe ra vừa vui vẻ "Xin cảm ơn!" đối với mấy anh coi xe thì một người cùng đi nói sẵng "Nó coi xe nó thu tiền. Việc gì phải cảm ơn chúng nó... Một lần khác, tại một ngã tư đèn đỏ phải dừng xe, một anh từ trên vỉa hè tự nhiên nổ máy lao xe xuống đường làm vênh đuôi xe một người đang dừng xe trên đường, thế mà chỉ ngoảnh lại nhìn, không hề một lời "xin lỗi".
Ở cơ quan nọ, một chị do hiểu lầm một đồng nghiệp đã có những xử sự rất bất nhã, xúc phạm, nhưng khi nhận ra là mình đã hiểu lầm cũng không có lấy một lời "xin lỗi". Không ít người khi hỏi đường, được người khác hướng dẫn rất tận tình, chu đáo nhưng rồi cứ thế đi, không có lấy một lời "cảm ơn". Những năm gần đây đã trở thành thông lệ các diễn giả trên diễn đàn trong các hội nghị đều có lời "cảm ơn" mỗi khi kết thúc bài phát biểu, nhưng còn hiếm thấy có lời "xin lỗi" mỗi khi đọc nhầm, nói nhầm hoặc nói quá giờ... Bên cạnh những nét đẹp văn hóa, những hành vi thiếu văn hóa như vậy hiện nay không phải ít.
Nhân dân ta có câu: "Lời nói không mất tiền mua". Chỉ có mỗi việc "cảm ơn" khi có người giúp đỡ mình và "xin lỗi" khi mình có sai sót với người khác mà sao vẫn còn có những người không biết, kể cả một số người "có học", có địa vị xã hội, giao tiếp nhiều? Hãy làm cho lời chào, lời chúc, lời "cảm ơn" và "xin lỗi" trở nên phổ cập, chân thành, thật sự là nét đẹp văn hóa trong giao tiếp hàng ngày của một xã hội văn minh gắn bó, gần gũi, tôn trọng nhau!
Thanh Túc