Công việc tiếp theo của chúng ta là phải xây dựng được một kế hoạch quản lý di sản hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế.
Để đạt được điều này, ngoài sự nỗ lực từ phía chính quyền, chúng ta phải coi trọng vai trò của cộng đồng dân cư, đối tượng được coi là chủ sở hữu, người nắm giữ và trao truyền di sản văn hóa ở địa phương.
Theo các nhà khoa học, từ kinh nghiệm của các di sản đã được công nhận ở trong nước và quốc tế, trong kế hoạch quản lý các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới để cộng đồng thực sự gắn bó, cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia việc bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản thì tại đó, người ta thường triển khai các dự án phát triển kinh tế mà hiệu quả nhất là mô hình du lịch cộng đồng. Mô hình này được triển khai theo hướng: Có nhiều đối tác cùng tham gia như: Cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa và du lịch, các công ty lữ hành, các tổ chức phi chính phủ và quan trọng nhất là người dân nơi có di sản cùng với du khách trong nước và quốc tế. Cộng đồng dân cư địa phương được quyền tham gia và đồng trách nhiệm trong việc trao đổi, lựa chọn mục tiêu ưu tiên, ra quyết định, thực thi và điều hành các dự án du lịch cộng đồng. Cộng đồng dân cư và các đối tác liên quan được giáo dục di sản, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của địa phương. Cộng đồng dân cư cũng là chủ thể tạo lập nhiều dịch vụ du lịch mang sắc thái địa phương và phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường...
Nếu được UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới thì chúng ta đang tiến một bước dài trên hành trình đưa hình ảnh Ninh Bình nói riêng, con người Việt Nam nói chung ra thế giới. Ngoài niềm vui, niềm tự hào đó, các cấp chính quyền và người dân trong vùng di sản cũng cần ý thức trong việc chung tay cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Các nhà quản lý, nhà khoa học khi đến thăm Quần thể danh thắng Tràng An đều khẳng định rằng, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thì chính quyền và nhân dân nơi có di sản là người bảo vệ tốt nhất.
Vì vậy, ngay từ bây giờ việc tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý nghĩa văn hóa, lịch sử của Quần thể danh thắng Tràng An là cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch tại điểm đến di sản Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ là vai trò của Nhà nước mà cần có sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp và người dân tại khu vực di sản về thiết chế quản lý, tôn tạo di tích, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ du lịch.
Nguyễn Thơm