Đối với Khánh Công, một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Yên Khánh, những năm trước, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí của tỉnh, huyện mà hiện nay đã có sự thay đổi. Xã đã và đang đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của UBND xã; trạm y tế với 7 phòng chức năng; tu sửa nhà văn hóa xã, đuờng giao thông, trường mầm non; trường tiểu học 12 phòng, khu chợ và bến xe rộng trên 3.000 m2...
Trong thời gian vừa qua, thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy và Đề án 15 của UBND tỉnh, nhiều vùng quê nghèo như các xã thuần nông đồng chiêm, vùng đồi, vùng sâu, vùng xa của Yên Mô, Hoa Lư, thị xã Tam Điệp, những xã nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, vùng cao của Gia Viễn, Nho Quan, những xã vùng bãi ngang ven biển Kim Sơn, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, không chỉ là trường học, đường giao thông, mà cả những cơ sở dạy nghề, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cấp cầu cống, thủy lợi, các làng nghề...
Đối với Gia Viễn, để giảm nghèo, cùng với việc thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất vụ đông, nuôi trồng thủy sản, đưa thêm nhiều ngành nghề mới như thêu ren, trồng nấm, làm tăm hương, mây tre đan, sản xuất vật liệu xây dựng, phục vụ du lịch..., huyện đã hỗ trợ xã Gia Xuân, Gia Lập, Gia Trung, Liên Sơn xây dựng mới các chợ; nâng cấp chợ Gia Minh, Gia Phong, Gia Hòa; xây mới chợ đầu mối thu mua hoa quả của các xã Gia Tiến, Gia Thắng, Gia Phương, Gia Tân.
Bên cạnh đó còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các cá nhân thuê đất nhiều năm xây dựng các dịch vụ du lịch, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trang trại, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo; hỗ trợ các xã xây dựng khu vui chơi chung, các thôn xây dựng nhà văn hóa.
Nhất là những xã nghèo trọng điểm, huyện tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với gần 3 tỷ đồng ở các hạng mục như khắc phục sửa chữa các công trình giao thông, trường học, trạm y tế; xây dựng các kênh cứng phục vụ tưới tiêu. Từ việc đầu tư đó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của toàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo từ 14,02% năm 2007 hạ xuống còn 10,14% năm 2008.
Đến hết năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Ninh Bình còn 9%, giảm 2,38% so với 2007. Số vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phuc vụ cho công tác giảm nghèo trong năm 2008 của tỉnh nhiều nhất từ trước đến nay. Toàn tỉnh đã thực hiện 470 tỷ đồng, đạt 102,7% tổng vốn được bố trí. Trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 23 xã nghèo, cụm xã nghèo trọng điểm là 283.625 triệu đồng.
Nhiều dự án đã và đang triển khai như: Dự án kiên cố kênh tưới các hồ: Vườn Cà, Bãi Lóng, Đầm Mố, Luông Giang, Thạch La, Trố Lưới (thuộc các xã khó khăn của huyện Nho Quan); Dự án phân lũ, chậm lũ, tái thiết sông Hoàng Long; Dự án thủy lợi vùng nuôi trồng thủy sản các xã bãi ngang ven biển; Dự án nâng cấp âu Cầu Hội; nâng cấp đê sông Bến Đang; nâng cấp đường 481; nâng cấp hồ Yên Đồng và nhiều dự án về làm đường giao thông, xây dựng trụ sở xã, trường học, chợ, nước sạch...
Bài, ảnh: Thanh Thủy