Dứa là cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới, có thể thu hoạch nhiều vụ trong năm. ở Ninh Bình, dứa được trồng chủ yếu tại thị xã Tam Điệp và được xem là nguồn thu nhập chính của người nông dân. Từ những năm 1967, cây dứa được đưa về trồng thử nghiệm trên 0,5 ha của Nông trường Đồng Giao (thị xã Tam Điệp). Trải qua bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu khó khăn, đến nay cây dứa vẫn phát triển mạnh và là cây trồng chính cho thu nhập cao. Nếu như năm 1995, cây dứa chỉ còn 15% đất nông nghiệp của Nông trường Đồng Giao (nay là Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao) thì đến năm 2005 đã mở rộng lên 1.450 ha, năm 2013 trên 2.000 ha. Hiện nay, ở Tam Điệp cây dứa chiếm 60% diện tích trồng các cây ăn quả, trong đó có 2 giống dứa chính là dứa Cayen và dứa Queen. Nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất dứa như: Kỹ thuật bón phân cân đối, kỹ thuật trồng xen, kỹ thuật trồng dứa có che phủ nilon, nên sản lượng dứa thu được hàng năm tăng nhanh từ trên 5.700 tấn dứa quả năm 2000 đã tăng lên trên 22.800 tấn vào năm 2005 và năm 2013 là trên 30.000 tấn. Sản phẩm từ dứa chủ yếu được chế biến thành dứa hộp và các sản phẩm nước dứa, đây là những mặt hàng xuất khẩu lớn, có giá trị kinh tế cao. Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có một số Công ty, doanh nghiệp chế biến dứa xuất khẩu, đã góp phần đẩy mạnh nghề trồng dứa phát triển. Đặc biệt, Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao (DOVECO) - một trong 6 trung tâm chế biến thực phẩm quy mô nhất cả nước, mỗi năm tiêu thụ hàng chục nghìn tấn rau, hoa quả các loại, trong đó có sản phẩm từ dứa, góp phần đưa các sản phẩm rau hoa quả của tỉnh đến với hơn 30 thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... Do đó, sản phẩm dứa sản xuất ra được đảm bảo tiêu thụ nhanh chóng với giá cả hợp lý, đảm bảo nguồn thu cho người nông dân. Nhờ phát triển cây dứa, nhiều hộ nông dân có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha, góp phần phát triển kinh tế và làm thay đổi diện mạo của thị xã Tam Điệp.
Có thể thấy, giá trị kinh tế mà cây dứa ở thị xã Tam Điệp mang lại rất lớn, không chỉ cho những người nông dân trồng dứa mà còn mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Chính vì vậy, để bảo tồn nguồn gen, đồng thời giữ vững và phát triển mạnh thương hiệu dứa Đồng Giao trên thị trường trong và ngoài nước nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân thì cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành cùng với sự tham gia của người trồng dứa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm dứa Đồng Giao trên thị trường cũng như bảo vệ giá trị thương hiệu không thể lẫn với vùng miền nào khác. Từ thực tế đó, việc xây dựng và thực hiện dự án "Xây dựng chỉ dẫn địa lý "Đồng Giao" dùng cho sản phẩm dứa của tỉnh Ninh Bình" là rất cần thiết.
Mục tiêu của dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý"Đồng Giao" cho sản phẩm dứa Đồng Giao của tỉnh Ninh Bình là xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý "Đồng Giao" dùng cho sản phẩm dứa nhằm đảm bảo việc kiểm soát chất lượng, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm dứa ở trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý "Đồng Giao", nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người trồng dứa.
Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý "Đồng Giao" dùng cho sản phẩm dứa của tỉnh Ninh Bình có các nội dung chính: Điều tra, khảo sát, thu thập tài liệu đánh giá vùng xây dựng chỉ dẫn địa lý "Đồng Giao" cho sản phẩm dứa; nghiên cứu xác định đặc thù về tính chất, chất lượng của dứa Đồng Giao; nghiên cứu xác định các yếu tố về điều kiện tự nhiên và con người có ảnh hưởng quyết định đến đặc thù của dứa Đồng Giao. Sau khi tiến hành các nội dung trên, sẽ xác định vùng chỉ dẫn địa lý "Đồng Giao" cho sản phẩm dứa của tỉnh; Xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý "Đồng Giao" và nội dung cuối cùng là xây dựng hệ thống nhận diện, công cụ quảng bá, phát triển và xúc tiến thương mại.
Việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý "Đồng Giao" cho sản phẩm dứa tỉnh Ninh Bình góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, tăng khả năng xuất khẩu. Từ đó làm tăng giá trị và uy tín của sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong vùng dự án. Nhận thức của các hộ sản xuất, các doanh nghiệp và khách hàng về giá trị của chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm dứa Đồng Giao tăng lên sẽ góp phần nâng cao khả năng tự bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hồng Giang