Đầu năm 2019 vừa qua, ông Bùi Xuân Lịch, thôn 10, xã Phú Long quyết định chuyển đổi 4.000 m2 đất trồng dứa trước đây sang trồng chuối. Lần đầu tiên làm quen với cây trồng mới nên mọi quy trình từ làm đất, xuống giống, đến tưới nước, bón phân, chăm sóc, ông Lịch đều tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn, không thiếu một bước. Riêng cây giống, ông trồng bằng cây nuôi cấy mô.
Ông Lịch cho biết: Ban đầu cây phát triển tốt nhưng khi cao tầm 50-60 cm thì một số lá dưới có biểu hiện bị đen. Lo lắng tôi mời cả cán bộ của Công ty thuốc BVTV ở Hà Nội về xem, họ bảo bị nấm bệnh rồi đưa thuốc cho tôi xử lý bằng cách vừa phun, vừa tưới gốc.
Tuy nhiên, biểu hiện của bệnh vẫn không hết, cây vẫn ra buồng. 1 tháng trở lại đây, sau một đợt sương muối, cả vườn chuyển màu đen, thân, lá rũ xuống, buồng chuối thì gẫy rục. "Những buồng chuối to, dài 12-15 nải, chỉ cần hơn 2 tháng nữa là có thể thu hoạch vậy mà hỏng hết. Tiền làm đất, rồi vật tư phân bón, công chăm sóc, làm cỏ 1 năm trời, tiêu tốn 30-40 triệu đồng coi như tiêu tan.
Đã vậy, giờ đây tôi còn phải thuê người đào gốc chuối, dọn vườn thì mới có thể trồng lại cây khác", ông Lịch chia sẻ. Giống như gia đình ông Lịch, gia đình ông Phong ở thôn 3, Phú Long cũng có vườn chuối 1.000 cây bị chết hàng loạt với biểu hiện khô đen từ cuống rồi lan trở ra đến mép lá.
Được biết, ở xã Phú Long, ngoài 2 vườn chuối của nhà ông Lịch và ông Phong thì các vườn chuối khác trồng cùng thời điểm đều phát triển tươi tốt và đang cho thu hoạch. Bình quân mỗi buồng chuối bà con bán với giá 100-150 nghìn đồng, có nghĩa là 1 vườn chuối 1.000 cây bà con có thể thu về 100-150 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc xuất hiện bệnh lạ trên cây chuối đang khiến nhiều người hoang mang, sợ rằng bệnh có thể lây lan sang vườn của họ. Rất mong ngành chuyên môn sớm vào cuộc xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và đưa ra các biện pháp phòng trừ có hiệu quả, tránh những thiệt hại không đáng có.
Hà Phương