Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban xóa đói, giảm nghèo xã Ninh Nhất cho biết: Trong những năm qua, Ngân hàng CSXH đã trở thành chỗ dựa tin cậy, thiết thực của những hộ nghèo, hộ khó khăn trong xã. Đến nay, xã Ninh Nhất đã có trên 1.000 lượt hộ được vay vốn Ngân hàng CSXH với tổng số vốn vay gần 10 tỷ đồng của 5 chương trình tín dụng ưu đãi, gồm: Cho vay hộ nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay xuất khẩu lao động. Nhờ nguồn vốn ưu đãi này mà nhiều hộ nghèo trong xã có điều kiện vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, có việc làm ổn định. Điển hình như hộ bà Hà Thị Hiên đã vay vốn để đầu tư trang trại chăn nuôi lợn thịt, lợn nái cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm; ông Lê Anh Cường đầu tư làm đá mỹ nghệ tạo nhiều việc làm với thu nhập ổn định; ông Hà Văn Lê đầu tư trồng nấm Linh chi, Mộc nhĩ…. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có con em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề,… được vay vốn để tiếp tục học tập. Nguồn vốn này đã trở thành "phao cứu trợ" để con em họ có điều kiện học hành, ra trường, có việc làm ổn định và trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Để đạt được những kết quả đó, cùng với sự cố gắng đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến cho người nghèo của Ngân hàng CSXH, Ban xóa đói, giảm nghèo xã đã phối hợp thực hiện, giúp các hộ nghèo được tiếp cận vốn nhanh nhất và sử dụng vốn hiệu quả. Ban xóa đói, giảm nghèo xã đã phân công cụ thể cho từng thành viên phụ trách các đơn vị thôn, xóm về công tác xóa đói, giảm nghèo nói chung và chính sách tín dụng ưu đãi nói riêng. Đồng thời, kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn tạo điều kiện thuận lợi cho tổ giao dịch lưu động của ngân hàng có địa điểm làm việc thuận tiện….
Khi có chỉ tiêu phân bổ vốn của Ban đại diện - Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH thành phố Ninh Bình, Ban xóa đói, giảm nghèo xã đã tiến hành họp để phân bổ vốn vay về thôn, xóm, trong đó ưu tiên cho những thôn, xóm có nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn. Khi nguồn vốn được phân bổ về các thôn, xóm, Ban xóa đói, giảm nghèo xã tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành họp tổ để thông báo nguồn vốn, đối tượng được vay vốn và bình xét cho vay đảm bảo công khai, đúng đối tượng thụ hưởng.
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, Ban xóa đói, giảm nghèo xã phối hợp với các hội, đoàn thể, các ngành chức năng tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,… cho các đối tượng được vay vốn. Từ đó hộ nghèo sẽ lựa chọn những mô hình phát triển kinh tế phù hợp để đầu tư có hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay cũng được Ban xóa đói, giảm nghèo, các hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn được tăng cường. Sau mỗi đợt giải ngân đều tổ chức kiểm tra thực tế các hộ được vay vốn, nhắc nhở các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, động viên các hộ làm tốt và định hướng, tư vấn cho các hộ làm kém hiệu quả. Đối với những hộ vay vốn đã quá hạn, Ban xóa đói, giảm nghèo xã tổ chức kiểm tra, đối chiếu và triệu tập về làm việc với tinh thần vừa động viên, vừa nhắc nhở trả nợ đúng hạn. Đối với các hộ gặp rủi ro, Ban xóa đói, giảm nghèo kết hợp với các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành kiểm tra, xác minh cụ thể, chính xác, sau đó đề xuất với Ngân hàng CSXH có biện pháp xử lý phù hợp.
Có thể khẳng định, với sự nỗ lực của Ban xóa đói, giảm nghèo xã, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói, giảm nghèo của xã Ninh Nhất. Toàn xã đã có 158 hộ thoát nghèo, 420 hộ cải thiện đời sống, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,57% vào năm 2012.
Hương Giang