Theo đề án, Công viên động vật hoang dã Quốc gia gồm 6 phân khu chính: Phân khu cây xanh sinh thái; Phân khu động vật hoang dã; Phân khu chăm sóc - nghiên cứu phát triển các loài động vật hoang dã; Phân khu trung tâm dịch vụ; Phân khu vui chơi giải trí; Phân khu tái định cư và nhà công vụ, nhà ở cán bộ, công nhân viên và dịch vụ.
Việc đầu tư đề án sẽ được phân làm 3 kỳ: Giai đoạn 1 (2012 - 2015) sẽ tập trung vào lập quy hoạch và lên phương án triển khai; Giai đoạn 2 (2016 - 2020) tập trung vào thi công các phân khu, tiếp nhận, chăm sóc động vật; Giai đoạn 3 (2020 - 2025) đưa vào vận hành khai thác, chuyển công viên sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần...
Công viên động vật hoang dã Quốc gia được kỳ vọng sẽ là nơi bảo tồn, cứu hộ, phát triển và lưu trữ nguồn gen của khoảng 3.000 cá thể thuộc 250 loài động vật, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời, tạo hiện trường và cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học; đào tạo học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế về bảo tồn và phát triển các loài động vật hoang dã.
Ngoài ra, khi Dự án đi vào hoạt động đây sẽ là điểm nhấn để tỉnh Ninh Bình nói chung, huyện Nho Quan nói riêng phục vụ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, giáo dục môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Theo thiết kế, Dự án sẽ thu hút khoảng 5 triệu lượt khách/năm, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở 2 xã vùng cao Kỳ Phú và Phú Long.
Với ý nghĩa đó, ngay sau khi có thông báo quy hoạch dự án Công viên động vật hoang dã Quốc gia trên địa bàn, Đảng ủy, chính quyền xã Kỳ Phú đã tổ chức hội nghị quán triệt đến Bí thư chi bộ, trưởng bản và các tổ chức đoàn thể, đồng thời thông báo rộng rãi cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã.
Bà Nguyễn Thị Bích Đào, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phú cho biết: Xã cũng chỉ đạo chi bộ thôn bản Sạng, bản Đồng Chạo có diện tích đất thu hồi tổ chức họp dân ra Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ban công tác Mặt trận xã họp phổ biến tuyên truyền trong hội viên và nhân dân.
Các tổ chức đoàn thể trong xã theo chức năng của mình tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác GPMB, tạo điều kiện cho công tác thi công được thực hiện đúng tiến độ.
Do làm tốt công tác tuyên truyền nên trong quá trình GPMB được nhân dân đồng tình ủng hộ. Anh Đinh Văn Thắng, người dân xã Kỳ Phú cho biết: Được cán bộ xã, thôn và cán bộ Dự án tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án nên người dân trong xã đều đồng tình ủng hộ.
Gia đình tôi cũng tình nguyện giao đất 313 cho dự án và nhận đền bù theo quy định của Nhà nước. Người dân chúng tôi chỉ mong Dự án sớm đi vào hoạt động để con em trong xã có công ăn việc làm, nhất là con em những gia đình bị thu hồi đất canh tác.
Được biết, khi thu hồi diện tích đất 313, các hộ dân đã nhanh chóng đồng tình ủng hộ và nhận tiền đền bù theo đúng quy định của Nhà nước. Đối với diện tích đất công ích của xã là trên 172 nghìn m2 và diện tích người dân tự khai hoang canh tác là trên 31 nghìn m2, theo các văn bản hướng dẫn thì số tiền đền bù 2 diện tích đất trên sẽ được đưa vào ngân sách xã và không có quy định hỗ trợ cho các hộ tự khai hoang.
Tuy nhiên, qua nhiều hội nghị tuyên truyền, vận động nắm tình hình tại thôn bản, nhiều người dân cho rằng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, cải tạo trên diện tích đất khai hoang để không thiệt thòi cho nhân dân về tài sản trên đất và sức lao động của nhân dân.
Bên cạnh đó, nhiều người dân địa phương cũng mong muốn đối với diện tích đất đã được Dự án thu hồi khi chưa triển khai xây dựng, nếu không ảnh hưởng đến Dự án nên cho người dân canh tác để không lãng phí.
Ông Phạm Văn Thành, Phó Ban quản lý Dự án Công viên động vật hoang dã Quốc gia cho biết: Nhờ có sự đồng tình ủng hộ của người dân xã Kỳ Phú, đến nay dự án đã hoàn thành công tác cắm cọc GPMB theo đúng tiến độ.
Ban quản lý Dự án cũng đang tiến hành công tác nghiệm thu dự án tuyến đường giao thông công viên nối với Quốc lộ 45 và tỉnh lộ 479D. Đồng thời hoàn thành công tác GPMB, giao mặt bằng đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu nuôi thả thú dữ Châu á.
Bảo Yến