Về xã Khánh Thành, chúng tôi được nghe người dân phấn khởi nói về những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là hiệu quả phong trào phát triển sản xuất lúa - màu kết hợp và mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản. Đang thu hoạch lứa mướp đắng trái vụ sai trĩu quả, ông Phạm Văn Nại, xóm 13, xã Khánh Thành vui vẻ cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Khánh Thành đã thực hiện thành công công tác dồn điền, đổi thửa. Nhờ đó, trước đây gia đình ông có 4 mảnh ruộng đã được rút gọn thành một mảnh liền với đất thổ cư. Với 8 sào ruộng cùng đất vườn sẵn có, ông đã quyết định đầu tư thâm canh cây màu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Toàn bộ diện tích đất vườn và một phần đất ruộng, ông làm giàn trồng mướp đắng kết hợp đào rãnh nuôi cá trạch và thả rau rút. Còn lại ông thực hiện mô hình lúa - bí xanh kết hợp bằng cách lên luống trồng bí xanh, còn lại trồng lúa, vừa đảm bảo lương thực cho gia đình, vừa sản xuất rau hàng hóa có hiệu quả cao. Hiện nay, mướp và bí xanh trái vụ đang vào vụ thu hoạch với giá bán cao gần gấp đôi so với chính vụ nên có ngày gia đình ông thu về cả triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Nại có thu nhập trên 30 triệu đồng/sào/năm, so với sản xuất lúa, mô hình sản xuất rau màu kết hợp cho hiệu quả cao gấp từ 10-15 lần. Đặc biệt, từ khi xã và huyện thành lập tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, đã hỗ trợ đắc lực các thành viên trong tổ các vấn đề về tiêu thụ, kỹ thuật nuôi trồng hay vấn đề về giống, vốn. Nhờ có mô hình liên kết, các thành viên trong tổ yên tâm mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng theo kỹ thuật sản xuất rau an toàn xuất khẩu, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Cũng như gia đình ông Nại, gia đình chị Phạm Thị Hòa, xóm 13 là một trong những hộ thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa - rau màu kết hợp và là thành viên đầu tiên tham gia vào mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ của xã. Chị Hòa phấn khởi chia sẻ: Được tiếp cận khoa học kỹ thuật và học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp, chị đã quyết định đầu tư thâm canh sản xuất lúa xen rau màu xuất khẩu. Toàn bộ 9 sào ruộng được chuyển đổi sau dồn điền, đổi thửa, chị đã tiến hành trồng xen kẽ mướp đắng, bí xanh, dưa chuột và cấy lúa. Qua vài vụ sản xuất cho thấy, mô hình có hiệu quả rất cao, mỗi sào ruộng cho thu nhập trên 22 triệu đồng/năm từ các cây rau màu và thu về 2 tạ lúa/vụ. Chị Hòa cũng cho biết thêm: Trước đây, tuy mô hình sản xuất lúa, rau màu kết hợp hiệu quả kinh tế cao nhưng gia đình chị và bà con trong xóm vẫn còn nhiều băn khoăn vì khi mô hình được nhân rộng ở tất cả các thôn, xóm trong xã, khối lượng hàng nông sản tăng sẽ gây khó khăn trong vấn đề tiêu thụ và giá cả có nguy cơ bị hạ thấp. Do đó, khi xã thành lập tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản đã tạo niềm tin, giúp bà con nhân dân yên tâm mở rộng sản xuất, hướng tới sản xuất hàng nông sản xuất khẩu có chất lượng cao.
Theo lãnh đạo xã Khánh Thành, sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, ngoài những kết quả nổi bật về xây dựng kết cấu hạ tầng Khánh Thành là một trong những xã điểm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế với nhiều mô hình, trong đó phải kể đến mô hình phát triển sản xuất lúa xen kẽ rau màu hàng hóa. Hiện nay tại xã Khánh Thành, mô hình sản xuất lúa - rau màu kết hợp đã được nhân rộng ra các thôn, xóm trong xã, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Riêng xóm 13 đã có 36 hộ thực hiện sản xuất theo mô hình này, trong đó có 6 hộ sản xuất quy mô gia trại, chủ yếu là luân canh các cây màu xuất khẩu có giá trị cao như cây mướp đắng, bí xanh, dưa bao tử, cà chua. Qua vài năm sản xuất cho thấy mô hình này phù hợp với trình độ thâm canh, tiềm năng kinh tế của người nông dân, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn và cho thu nhập cao. Bình quân mỗi năm có hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng, cao hơn từ 10-15 lần so với cấy lúa.
Tuy nhiên, qua quá trình sản xuất cho thấy mô hình cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện nay, mô hình mới chỉ phát triển ở hình thức tự phát, các hộ tự làm, tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, nên việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định. Do đó, để phát triển sản xuất bền vững, có quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm, xã Khánh Thành đã hỗ trợ các hộ sản xuất thành lập mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản. Đến nay, mô hình liên kết đã thu hút trên 60 thành viên trong xã tham gia. Các thành viên tham gia vào mô hình liên kết được trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng các cây, con có giá trị, hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ và giúp nhau về giống, vốn. Thông qua mô hình liên kết sẽ tạo ra khối lượng hàng nông sản lớn hơn, chất lượng cao hơn, từ đó nâng cao giá trị và thu nhập cho người nông dân.
Hiện nay, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản tại xã Khánh Thành là hướng đi đúng, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được tiềm năng đất đai, nhân lực, xây dựng được vùng sản xuất hàng nông sản tập trung, có giá trị, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Bài ảnh: Hồng Giang