Do lúa chín muộn và bị ảnh hưởng nhiều của sâu bệnh, nên theo ước tính, năng suất lúa của toàn xã đạt khoảng 30 tạ/ha. Ông Trần Giao Thế - người dân trong xã cho biết: Năm nay lúa không đuợc mùa như mong đợi của người dân, ở trà lúa mùa sớm năng suất có khá hơn, còn ở trà mùa trung thì mỗi sào lúa chỉ đạt khoảng 1 tạ thóc. Hạt lúa không được chắc mẩy, vàng đều như các vụ khác. Nếu trừ các khoản chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ làm đất, nước... thì chỉ có lấy công làm lãi.
Nguyên nhân lúa ở đây chín muộn là do vào thời điểm gieo cấy, bà con nông dân không chủ động được trong khung thời vụ. Bắt đầu bước vào làm vụ mùa, thời tiết mưa nhiều, nước ngập úng khó tiêu thoát nên nhiều diện tích dự kiến cấy trà mùa sớm đã phải chuyển sang cấy hầu hết bằng trà mùa trung. Tổng diện tích gieo cấy của toàn xã trong vụ là 250 ha.
Cái khó của Gia Lạc là một xã đồng chiêm trũng, cốt đất thấp nhất trong khu vực, được coi là "rốn nước" của vùng xả lũ. Địa hình không thuận lợi là một cản trở không nhỏ cho phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng của xã còn nhiều khó khăn. Do hậu quả từ đợt lũ lụt năm 2007 để lại, nhiều đoạn kênh, mương máng bị vỡ, đất đá lấp làm ách tắc dòng chảy.
Với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, nhiều đoạn đã được xây dựng, khơi thông lại nhưng vẫn chưa thể đảm bảo thoát úng ngập khi có mưa lớn xảy ra. Mặt khác, việc tiêu úng của xã gặp khó khăn còn do các trạm bơm trên địa bàn như Lạc Khoái và trạm bơm của HTX Mai Sơn mỗi khi vận hành đều phát huy hết công suất nhưng vẫn không thể đáp ứng kịp thời vì phải phục vụ cho vùng rộng lớn gồm cả xã Gia Lạc, Gia Phong, được xây dựng từ lâu, các thiết bị máy móc đã xuống cấp.
Cũng do khung thời vụ bị đẩy lùi, nên UBND xã đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc, vận động bà con xã viên lựa chọn gieo cấy những giống lúa phù hợp. Giống lúa chủ yếu được đưa vào gieo cấy là Khang dân, Tạp giao. Thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật, đảm bảo đầy đủ các khâu dịch vụ như phân bón, vật tư nên sau khi gieo cấy, gặp thời tiết thuận lợi, diện tích lúa của xã phát triển nhanh, cây lúa tốt. Thế nhưng, khi lúa trỗ đã gặp phải áp thấp nhiệt đới nên việc phơi màu, thụ phấn của lúa bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nhiều diện tích lúa còn gặp trở ngại lớn vì sâu bệnh.
Khung thời vụ bị đẩy lùi, vụ mùa thu hoạch muộn nên đến thời điểm hiện nay việc trồng cây đông ở đây dường như chưa có động tĩnh gì. Theo kế hoạch, toàn xã gieo trồng khoảng 10 ha cây đông, chủ yếu là rau và khoai lang. Sở dĩ, diện tích vụ đông, nhất là trên đất 2 lúa không được phát triển mạnh vì nguời dân không mấy mặn mà và bị chùn bước khi mà hiệu quả của những năm trước không cao và rất bấp bênh trước thiên tai, địa hình.
Xã cũng đã nỗ lực tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nhưng với nguồn lực của một xã nghèo, Gia Lạc khó thực hiện được việc nhân rộng cây vụ đông. Đây chính là khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà nhiều năm nay xã đã loay hoay, xoay sở để khắc phục nhưng vẫn chưa làm được. Trên thực tế, xã có 617,4 ha đất tự nhiên thì chỉ có 366 ha đất canh tác được trong vụ đông xuân, vụ mùa chỉ cấy được 250 ha lúa, còn lại là thùng đào, thùng đấu, sông ngòi, núi, đất ngoài đê. Diện tích đất trũng nước thường ngập trắng, không thực hiện được nuôi trồng thủy sản vì khó khăn trong quy hoạch gọn bờ vùng, bờ thửa và người dân sợ "đánh cược với trời". Đời sống của người dân trong xã chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn khá cao, khoảng 30%.
Mong rằng với sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, cái nghèo trên vùng "rốn lũ" sẽ dần được giải quyết .
Bài, ảnh: Hoàng Tâm